Theo báo cáo, trong giai đoạn này, đã có khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo, Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất gần 14.730 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Báo cáo cũng cho biết, các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng CSXH gồm 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng CSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Đến nay, chính sách tín dụng cho hộ nghèo được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách cụ thể như chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, tăng thêm nguồn vốn để thực hiện định mức cho vay theo hộ gia đình; đồng thời đề nghị điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo; bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay; quan tâm chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo; xây dựng lộ trình hợp lý để hộ thoát nghèo ra khỏi chương trình tín dụng.