Dân Việt

Người phục dựng đền cho làng

Duy Ngợi 18/06/2014 09:54 GMT+7
Không những khai khẩn đất hoang làm kinh tế, ông Phan Đình Tuấn, xóm 12 xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn bỏ tiền và công sức phục dựng ngôi đền Hạ để bà con trong làng và khách thập phương có nơi thờ tự.

Học hết cấp 2, cũng như bao chàng trai khác, ông Phan Đình Tuấn (sinh năm 1957) hăng hái lên đường nhập ngũ. Xuất ngũ trở về, gia cảnh nghèo đói, bản thân bệnh tật, ông qua nhà anh em xin đổi đất ruộng về một mối rồi vay ngân hàng 3 triệu đồng để đào ao nuôi cá.

Nhượng lại ngôi nhà bố mẹ để lại cho 2 em trai, vốn cần cù, chịu khó lại qua khóa tập huấn làm VAC nên ông Tuấn không ngần ngại khoanh 1 mẫu đất ruộng rồi cùng vợ con ra dựng lều ở để làm mô hình cá -lúa.

Trước khi ông đến lập nghiệp, vùng đất ông làm cá lúa còn khá hoang vu, lại cạnh ngôi đền Hạ ngày trước đã thành phế tích nên ít người qua lại. Thấy ngôi đền của làng rơi vào cảnh hoang phế, ông Tuấn quyết định dựng lại một ngôi miếu trên nền cũ để làng có nơi thờ tự.

Khi ông làm, nhiều người trong làng biết chuyện nên cũng xông xáo giúp người một vài ngày công. Vốn liếng không có nên để có tiền mua vật liệu xây ngôi miếu, ông Tuấn phải đi vay mượn. Có vật liệu, ông làm thợ xây, vợ ông thành phụ hồ. Tuy làm một gian thờ tự nhưng vì ngôi miếu có nhiều họa tiết, hoa văn khá cầu kỳ nên vợ chồng ông Tuấn phải làm suốt 2 tháng trời. Đưa chúng tôi ra tham quan ngôi miếu, ông Tuấn cho biết: “Nếu làm một gian nhà ở thì rất đơn giản và nhanh lắm, nhưng đây là làm miếu thờ của làng nên mình không thể làm sơ sài được. Nhiều họa tiết, hoa văn tôi còn phải nghiên cứu, trao đổi với các vị cao niên trong làng...”.

Sau khi hoàn thành, ngôi miếu của đền Hạ do ông Tuấn xây dựng rộng khoảng 6m2. Ngày khánh thành, ông Tuấn còn mượn người và đồ cúng của nhà thờ họ về tổ chức lễ nghi một cách trang trọng và một số người dân địa phương đã cung tiến hiện vật như cặp hạc chầu, ban thờ, chiêng trống, trướng, câu đối...

Bảy năm đã qua, ông Tuấn vẫn cần mẫn trông coi, hương khói cho ngôi miếu đền Hạ. Niềm vui lớn nhất của người cựu chiến binh ấy là giờ đây, miếu thờ đã thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương. “Khi ấy, vợ chồng tôi chỉ biết làm thôi chứ tiền nong thì răng có thể đong đếm được, mình làm cốt vì cái tâm, chứ khi ra đây, thấy cảnh hoang tàn, đổ nát của ngôi đền, mình cũng xót xa lắm” - ông Tuấn chia sẻ.

Từ lúc gian thờ của đền Hạ được gia đình ông Tuấn xây dựng, cứ đến mồng 1, ngày rằm, nhiều người trong và ngoài xã đã đến hương khói, cầu an. Việc làm của ông Tuấn càng có ý nghĩa hơn khi từ năm 2013 đến nay, cứ đến ngày 15 tháng 3 (âm lịch) chính quyền xã Quỳnh Thạch đã đứng ra tổ chức đại lễ tại đền Hạ một cách trang trọng, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương về dự. “Việc làm của ông Phan Đình Tuấn là rất có ý nghĩa và đáng trân trọng.

Sau khi biết chuyện, chính quyền địa phương cũng đã tìm hiểu các tài liệu liên quan đến ngôi đền Hạ ngày trước và đã làm tờ trình xin phục dựng lại ngôi đền như ban đầu và đã được cấp trên chấp thuận bằng nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Tuy nhiên, khó khăn nhất của địa phương lúc này chính là vốn vì kinh phí phục dựng đền Hạ là không nhỏ” - ông Đậu Đức Lâm- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết.