Ông cho biết không năm nào nắng nóng và khô hạn như năm nay nên ông đã chuẩn bị máy bơm để lấy nước từ dưới kênh lên tưới lúa. Nước dưới kênh đã xuống rất thấp nên ông cùng nhiều nông dân trong vùng phải tốn khá nhiều chi phí để bơm tưới cho vụ lúa hè thu này. Đám ruộng 8.000m2 của ông mới vừa bơm hơn 3 giờ đồng hồ mới có nước lấp xấp mặt ruộng.
Khô hạn ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất ở ĐBSCL. |
Ông Chiều tâm sự: Mấy năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mực nước xuống thấp trong mùa khô nên nông dân tốn rất nhiều chi phí bơm nước. Nghe thông tin trên đài nói rằng nước Lào sắp xây dựng đập thủy điện ngăn dòng nước nên tôi và bà con trong vùng này càng lo lắng hơn.
Nếu việc xây đập diễn ra, mai mốt khô hạn sẽ khốc liệt hơn và bà con nông dân như tụi tui sống ở hai bên dòng Mekong sẽ không có đủ nước để sản xuất nông nghiệp. “Năm nay, tôi đã 70 tuổi nên đã chứng kiến nhiều mùa lũ nước dâng ngập cả ruộng đồng, nhà cửa. Tuy nhiên, năm rồi vùng này lũ không về, nguồn lợi thủy sản cạn dần nên tui càng lo lắng hơn bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt” - ông nói.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng: “Việc xây dựng các đập thủy điện ở hạ lưu sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế ở vùng ĐBSCL. Trong một chừng mực nào đó sẽ không đảm bảo đất đai cho trồng lúa. Vì vậy cần phải chuyển đổi phù hợp để trồng các loại cây trồng khác cho phù hợp. Về lâu về dài cần có kế hoạch 5 năm, 10 năm hay dài hơn nữa để ứng phó với sự biến đổi này”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu sông Mekong cho biết: “Nguồn nước và phù sa đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Nếu xây dựng đập thủy điện Xayabouri thì nước, phù sa sẽ khan hiếm, hiểm họa chực chờ từ khối nước khổng lồ phía trên.
Vì vậy, Ủy ban Sông Mekong, cộng đồng các nước cần vận động không xây dựng đập thủy điện vì sự phát triển chung của cộng đồng cả khu vực. Nếu nước Lào xây dựng đập Xayabouri sẽ ảnh hưởng nặng nề đến an ninh lương thực và đời sống của 20 triệu dân ĐBSCL. Trong đó, sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn và nguồn cá tự nhiên cũng ngày càng cạn kiệt.
Hoàng Mai