Dân Việt

Nên hoãn xây dựng đập Xayabouri 10 năm

20/04/2011 13:00 GMT+7
(Dân Việt) - PGS. TS Hồ Uy Liêm - Phó Chủ tịch Thường Trực Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) đã kiến nghị như vậy, trước việc Lào xây dựng đập thủy điện Xayabouri trên sông Mekong.
img
PGS - TS Hồ Uy Liêm

Trao đổi với Dân Việt ngày 19.4, PGS - TS Hồ Uy Liêm cho biết: Trước mắt không nên xây dựng con đập này vì nó sẽ tạo tiền lệ xấu để xây tiếp các đập thủy điện từ Bắc Lào đến biên giới Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực, sinh kế của người dân cũng như những hệ lụy xấu cho môi trường.

Theo ông, hậu quả trực tiếp đối với Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL, trước việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, cũng như đập Xayabouri là gì?

- ĐBSCL có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sinh kế của người dân. Hiện nó cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo cả nước, 70% các loài thủy sản, 70% các loại trái cây… Việc xây đập ngăn nước khiến lượng tôm cá sẽ giảm trong mùa nước nổi, thiếu nước ngọt thau chua rửa mặn, đặc biệt là lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng sẽ giảm.

Hơn nữa, dọc dải từ Vân Nam (TQ) đến VN có hơn 60 triệu người sinh sống, trong đó VN khoảng 20 triệu người. Việc xây dựng đập thủy điện Xayabouri cùng với những đập thủy điện sau nó sẽ gây những hậu quả khó lường.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn những hậu quả này?

- Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi VN (VNR) cho rằng, nếu 12 con đập trên dòng chính Mekong được xây dựng, đoạn sông dài 2.400km ở hạ lưu (50% chiều dài sông Mekong), lượng phù sa hàng năm tải về hạ lưu (trong đó có ĐBSCL) sẽ giảm chỉ còn ¼ 1/4 (hiện nay là 160-165 triệu tấn/năm). Như vậy đời sống của 20 triệu dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa an ninh lương thực khu vực và thế giới.

Mất phù sa cũng làm cho ĐBSCL bị sụt lún và chìm rất nhanh dưới mực nước biển, cùng với tác động nước biển dâng từ biến đổi khí hậu. Trong mùa khô, không đủ nước để ém phèn dẫn đến phèn hóa diện tích lớn ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và tây nam sông Hậu. Ước tính, riêng ĐBSCL, tổn thất cá trắng khoảng 240.000-480.000 tấn/năm.

"Chỉ cần một đập thủy điện được xây dựng trên nhánh chính hạ lưu sông Mekong sẽ làm gián đoạn đường di cư của nhiều loài cá cũng như gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân sinh sống tại lưu vực sông Mekong".

Trên thực tế, Lào đã khởi công đập thủy điện Xayabouri. Liệu có phương án nào tháo gỡ, thưa PGS?

- Nếu xây dựng đập Xayabouri, Lào có lợi thế về điện (chủ yếu là bán cho Thái Lan-PV) nhưng về sinh kế, người dân Lào sẽ thiệt thòi. Đây là vấn đề mang tính quốc tế khó giải quyết, nhưng không có nghĩa là không làm được. Ủy hội Sông Mekong (MRC) gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia cần ngồi lại với nhau để đưa ra các biện pháp "hoán đổi" để Lào ngừng hẳn xây dựng đập Xayabouri.

Vậy VUSTA đã có những động thái gì để tham vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành để tìm "lối thoát" cho vấn đề này?

- Chúng tôi đã đề nghị hoãn xây dựng Xayabouri trong 10 năm để có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng có sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Hiện nay, một số tổ chức thuộc VUSTA như Mạng lưới sông ngòi VN, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước và môi trường, Hội Đập lớn, Hội Thủy lợi… đã có kiến nghị gửi Bộ TNMT, Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!