Lòng tự trọng của con người Nhật Bản, tinh thần dân tộc Nhật Bản lại một lần nữa khiến cả thế giới, đặc biệt là người Việt Nam phải đặt câu hỏi: Vì sao đất nước nhỏ bé này lại làm nên những điều kỳ diệu?
Ngày 15.6.2014, sau trận đấu vòng loại World Cup của Nhật Bản với Bờ Biển Ngà, mặc dù đội tuyển màu xanh lam này thua 2 -1 trước đội Bờ Biển Ngà nhưng hành động của cổ động viên và cầu thủ Nhật đã khiến cho cả thế giới run lên vì xúc động và ngả mũ kính trọng.
Đó là hành động các cổ động viện Nhật Bản cầm những chiếc túi nhựa cần mẫn nhặt rác ở sân vận động Arena Pernambuco, ở thành phố Recife, Brazil, sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Đó là hành động các các tuyển thủ đội tuyển Nhật Bản đứng thành hàng ngay giữa sân cỏ, hướng mình về phía phần khán đài mà các cổ động viên Nhật Bản ngồi để cúi đầu xin lỗi, khi họ không giành được chiến công như mong đợi.
Hình ảnh người Nhật nán lại sau khi trận đấu kết thúc, cầm theo những chiếc túi nhựa để nhặt rác vương vãi tại khu vực ghế ngồi của họ thực ra không có gì lạ lẫm đối với người dân Nhật Bản. Tại Nhật, hành động này sẽ chẳng có gì đặc biệt bởi đó đã là thói quen của Nhật từ bao lâu nay. Mỗi khi tham gia vào những sự kiện lễ hội, thể thao, người Nhật luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan nơi mình tới. Họ sống theo triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”.
Điều đặc biệt là thói quen này đã được những cổ động viên người Nhật tuân thủ ngay cả khi họ không ở tại quê nhà. Ở những kỳ World Cup trước, người ta đã thấy được sự văn minh của cổ động viên người Nhật. Tại kỳ World Cup lần này, phóng viên nước ngoài đã nán lại để chụp hình, đưa tin về một thói quen đẹp của người Nhật. Không ít tờ báo trên thế giới đã bình luận rằng “Dù đội tuyển Nhật Bản thua đội tuyển Bờ Biển Ngà 2 – 1 nhưng cổ động viên Nhật và cầu thủ Nhật đã thắng toàn diện nhờ những hành vi đẹp này”
Điều gì làm nên sự vĩ đại đó của con người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản? Đó chính là lòng tự trọng!
Theo các nhà nghiên cứu xã hội và giáo dục, nước Nhật vươn lên đầu châu lục không phải do của cải vật chất mà là nhờ họ giáo dục tốt cho người dân các giá trị sống, đặc biệt trong đó là lòng tự trọng. Tự trọng là trọng mình, trọng giá trị của mình, không cho phép mình làm việc sai trái. Khi bị phê bình thì không tự ái. Nhưng vì sao lòng tự trọng của người Nhật lại trở thành một giá trị tuyệt vời khiến cho cả dân tộc Nhật Bản trở thành một dân tộc đáng kính trọng như vậy? Đây là câu hỏi mà không chỉ con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà có lẽ người dân của các nước trên thế giới đều sẽ phải nghiên cứu để tự tìm ra câu trả lời.
Đứng về góc độ của một người làm giáo dục, anh Trần Văn Hùng, phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, điều làm nên giá trị Nhật Bản ngày nay chính là nhờ đất nước họ tôn cao các giá trị sống, các giá trị đạo đức làm người trong suốt hàng nghìn năm hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay. Đất nước Nhật Bản được vận hành trên nguyên tắc lấy đạo đức làm chuẩn mực sống. Từ hệ thống tư pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội, từ lãnh đạo cho đến thường dân…đều tuân thủ các chuẩn mực này và nguyên tắc đạo đức này.
Còn đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu xã hội học, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống & phát triển) đã vạch ra một cái nhìn rất rõ ràng về việc vận hành thiết chế xã hội ở Nhật Bản. Theo GS Khanh, Nhật Bản là một đất nước điển hình đã thiết lập được nền tàng đạo đức vững chắc nhờ biết vận dụng thành công mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị”. Một xã hội phát triển mà vẫn giữ được kỷ cương, giữ được sự bình yên là khi xã hội đó biết vận dụng mối quan hệ giữa hai yếu tố đức trị và pháp trị này. Theo nguyên lý vận hành xã hội này, khi đạo đức suy đồi thì rất cần đến sự mạnh tay của pháp luật. Nhưng khi xã hội đã thiết lập được nền tảng đạo đức vững vàng rồi thì ít cần đến bàn tay của pháp luật.
Để thiết lập được nền tảng đạo đức vững chắc như ngày hôm nay, xã hội Nhật Bản cũng đã từng vận hành, từng trải qua một thời kỳ “pháp trị”, tức là vận hành theo cơ chế “một đất nước hành pháp”. Khi Nhật Bản vận hành đất nước theo cơ chế hành pháp thì việc xét xử tội phạm rất nghiêm khắc, kể cả những tội nhỏ. NHật Bản đã từng có thời kỳ xử lý tội cướp giật bằng biện pháp “chặt tay”, một biện pháp được coi là dã man và hết sức khắc nghiệt. Thế nhưng cũng là tội ăn cắp đó nhưng ngày nay Nhật Bản lại xử rất nhẹ. Đơn giản đó là vì sau thời kỳ “Pháp trị” nghiêm minh ở Nhật Bản thì nền tảng đạo đức được thiết lập.
Vì thế xã hội xã hội Nhật Bản giờ đây đang được vận hành trên “đường ray” đạo đức, rất nề nếp, rất kỷ luật và đầy sức mạnh. Tinh thần đó được thể hiện ở mỗi con người Nhật Bản, dù họ là chính khách hay chỉ là thường dân. Đó là một tinh thần Nhật Bản đáng kính trọng!