Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Xã hội học (Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện tại 8 tỉnh, thành. Điều này cho thấy, năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ địa phương làm công tác hoạt động phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn yếu và thiếu.
Chỉ là chuyện riêng tư
Một cán bộ cơ sở ở Quảng Ninh cho rằng: "Chuyện vợ chồng người ta giận nhau, đôi khi cãi lộn hoặc có tát nhau một vài cái cũng là bình thường. Vì đó là chuyện riêng tư nên mình ngại xen vào, trừ trường hợp người ta có đơn yêu cầu thì đến hoà giải, còn không thì cũng không nên can thiệp sâu quá".
Nhiều ý kiến khác cũng ủng hộ các quan điểm truyền thống mang tính chất định kiến trong cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, vì vậy chính họ cũng không muốn can thiệp quá sâu vào chuyện này. Hơn 30% số cán bộ còn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề BLGĐ.
Anh Nam - một cán bộ ở Sơn La cho rằng: “Theo ý kiến cá nhân tôi cần phải xem xét mức độ như thế nào thì mới gọi là BLGĐ, có những hành vi có thể chỉ là hành động giáo dục như đánh roi, bạt tai nhẹ đối với trẻ con hư… Tôi thấy còn mông lung trong nhận thức lắm”.
Thực tế hiện nay, tình trạng BLGĐ đang diễn biến phức tạp, là vấn đề "hàng ngày" ở các địa phương nhưng không phải cán bộ nào cũng có những hiểu biết và cách xử lý phù hợp.
"Phép vua thua lệ làng"
Vấn đề áp dụng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm Luật Phòng chống BLGĐ là một điều hết sức khó khăn. Theo luật quy định, việc áp dụng các chế tài phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của chính quyền cơ sở, nhất là người đứng đầu chính quyền và phụ trách các ban ngành liên quan như: Phụ nữ, y tế, tư pháp, công an... Nhiều người thừa nhận một thực tế chung ở địa phương là không thể xử lý được các vụ BLGĐ khi mà "phép vua thua lệ làng".
Bà Nguyễn Thị Lan - cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình kiến nghị: "Chúng ta cần phải cụ thể hóa các quy định xử phạt có liên quan đến BLGĐ. Đối với xã chúng tôi, hiện nay việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức hòa giải, chưa đến mức xử lý hành chính trong các vụ việc có liên quan đến BLGĐ. Theo tôi, một khi luật đã ban hành thì cần phải có ngay nghị định hướng dẫn kèm theo để có thể giải quyết kịp thời khi có BLGĐ xảy ra”.
Cùng quan điểm trên, một nữ cán bộ văn - xã ở tỉnh Quảng Ninh cho rằng: "Khi xảy ra BLGĐ quan điểm của tôi là hoà giải bằng cách khuyên can, thuyết phục. Các cá nhân và tổ chức phải tuỳ từng đối tượng để có cách hoà giải riêng. Cách tốt nhất là thuyết phục. Nhưng nếu cần cũng phải đề nghị chính quyền đưa ra những biện pháp mạnh để xử lý".
Luật Phòng chống BLGĐ quy định 3 chế tài chủ yếu đối với những người gây ra: Khởi tố hình sự; phạt hành chính và cảnh cáo nhắc nhở. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy chính quyền cấp cơ sở mới chủ yếu sử dụng 2 hình thức, đó là nhắc nhở và phạt hành chính. Trong đó, giải pháp phạt hành chính chiếm 35,4%, cảnh cáo nhắc nhở là chủ yếu 42,5%. Các trường hợp bị đề nghị khởi tố rất thấp (từ 4 - 7%).
Một cán bộ tư pháp ở An Giang thừa nhận: "Phần lớn các trường hợp BLGĐ không bị đưa ra xét xử. Chỉ khi nào bạo lực lặp đi lặp lại và nghiêm trọng thì cuộc hôn nhân mới kết thúc bằng ly hôn. BLGĐ rất ít khi được xử theo Luật Hình sự, phần nhiều vẫn còn lệ thuộc vào “truyền thống” của làng xã''.
Minh Nguyệt