Dân Việt

Sản xuất lúa theo GAP - lợi ích của nhà nông

20/04/2011 10:21 GMT+7
(Dân Việt) - Ngay từ vụ đông xuân 2007 - 2008, Sở NNPTNT An Giang đã bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm Jasmine và xây dựng quy trình sản xuất lúa theo hướng GAP.

Tổ hợp tác nông dân tại ấp Bình Chơn, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú được chọn để áp dụng điểm đầu tiên của tỉnh. Đến vụ đông xuân 2009 - 2010, nông dân trong tổ hợp tác trên đã được Công ty SGS TNHH Việt Nam trao chứng nhận lúa đạt GlobalGAP.

Đây là một trong 3 địa phương của vùng ĐBSCL đạt chứng nhận GlobalGAP sớm nhất. Với chứng nhận này, giá lúa nông dân đang bán cao hơn giá thị trường 20%, nông dân thu lợi nhuận cao hơn với các ruộng sản xuất thường.

img

Sản xuất theo GAP an toàn cho cả người trồng lúa.

Nhưng cái lợi lớn nhất mà nông dân có được từ việc sản xuất lúa theo quy trình này là nhận thức của bà con được nâng lên, từ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đến đời sống, sinh hoạt và sức khoẻ.

Bởi khi tham gia quy trình này nông dân phải thực hiện trên 100 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí liên quan đến sinh hoạt và sức khoẻ của nông dân, như nhà vệ sinh, bồn rửa tay, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón... phải bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sản xuất. Sản phẩm phải đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng về hàm lượng thuốc BVTV, nitrate, các kim loại nặng... thì mới được chứng nhận.

Những nông dân tham gia quy trình này đều phải có sổ ghi chép lại các công việc mình, như thuốc BVTV, phân bón... đã sử dụng để khi cần thì các nhà kiểm tra sẽ truy lại nguồn gốc các loại vật tư mà nông dân đã mua và sử dụng trong quá trình canh tác. Vì thế, việc lựa chọn thuốc BVTV, phân bón cho quy trình này được đảm bảo là an toàn cho cả sức khỏe và môi trường.

Phân bón Đầu Trâu của Công ty Phân bón Bình Điền được Sở NNPTNT An Giang chọn là loại phân bón cung cấp cho quy trình sản xuất lúa tiên tiến này. Ngay từ vụ đầu tiên, Công ty Phân bón Bình Điền đã cùng các cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV An Giang tập huấn cho nông dân các quy trình sản xuất lúa theo GAP.

Ngoài ra, bà con nông dân còn được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn sử dụng phân bón Đầu Trâu nhằm gia tăng năng suất, hạt gạo đảm bảo không có tồn dư nitrate. Đến vụ đông xuân 2009 - 2010, Bình Điền đã đưa bộ sản phẩm mới là Đầu Trâu TE+Agrotain để nông dân sử dụng.

Nhờ được hướng dẫn ngay từ đầu, nên các sản phẩm phân bón Đầu Trâu TE + Agrotain được nông dân áp dụng thành công, hạt gạo làm ra đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Qua đó, cho thấy phân bón Đầu Trâu đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của quy trình sản xuất lúa tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới là sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.