Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, diễn biến bệnh MERS-CoV rất phức tạp. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ đầu tháng 4 đến nay) đã có hơn 450 ca MERS mắc mới, số người tử vong cũng liên tục tăng cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số hơn 400 ca mắc MERS được nghiên cứu, có đến 44,5% có diễn tiến bệnh nặng (bao gồm cả các ca tử vong). Cho dù đã được điều trị tích cực nhưng trong số các ca có diễn tiến nặng vẫn tiếp tục tử vong. TS Phu cho biết: “Điều đáng lo ngại là có tới gần 30% các ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (ho, sốt nhẹ). Tới khi bị suy hô hấp nặng mới phát hiện ra”.
Để đề phòng bệnh MERS vào Việt Nam, Bộ Y tế đã gấp rút triển khai kế hoạch hành động phòng chống MERS-CoV, trong đó đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta tại tất cả các cửa khẩu, đặc biệt lưu ý hành khách du lịch trở về từ các quốc gia có dịch bệnh và vùng Trung Đông.
Hiện tại các sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế có cửa khẩu sân bay quốc tế đã tiến hành treo poster tuyên truyền khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống MERS-CoV đối với hành khách đi và đến các nước vùng Trung Đông tại các nhà ga sân bay quốc tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động phòng ngừa. Đặc biệt, những người vừa trở về từ Khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có các dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp như sốt trên 38 độ C, ho, khó thở thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, kiểm tra.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo bệnh MERS-CoV rất nguy hiểm đối với những người có tiền sử về các bệnh khác như tiểu đường, suy thận, phổi và bệnh về hệ thống miễn dịch. Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tìm hiểu cơ chế lây bệnh từ người sang người để tìm những bằng chứng chắc chắn.