Dân Việt

Nhà cổ Vạn Vân hội tụ tinh hoa gốm

20/06/2014 07:00 GMT+7
Nhà cổ Vạn Vân nằm ở một ngõ nhỏ cạnh chợ gốm Bát Tràng (Hà Nội). Căn nhà mang một nét hoài cổ, trầm mặc như đúng tên gọi của nó. Đây là nơi trưng bày hơn 300 hiện vật gốm cổ Bát Tràng, với niên đại từ thế kỷ XV - XIX, do chủ Trần Ngọc Lâm sưu tập. Những hiện vật thể hiện tinh hoa của nghề gốm Bát Tràng trong suốt chiều dài lịch sử.
Nơi giữ hồn cho cổ vật

Tôi ghé thăm ngôi nhà cổ Vạn Vân vào một buổi sáng giữa tháng 6. Vạn Vân hiện ra cổ kính với nước sơn đen, bảng hiệu giản dị và dây leo xanh mát bao kín phần mái. Ông Phạm Xuân Đài, quản lý của ngôi nhà, cho biết: Nhà cổ Vạn Vân được dựng lên cách đây 11 năm, gồm nhiều gian: Gian đầu tiên là ngôi nhà gỗ 200 tuổi ở Thái Bình, được ông chủ Trần Ngọc Lâm mua về và tu sửa, nhà tương đối thấp, kiểu cách đơn giản, nhưng trông rất cổ kính; gian thứ hai cũng là một ngôi nhà cổ ở Nam Định mua về rồi ghép lại; gian thứ ba là ngôi nhà đã có sẵn từ trước đó. Cả ba căn nhà ghép liền với nhau, tạo nên một không gian trưng bày gần 400 m2, vừa cổ kính vừa sang trọng.

Hai gian nhà ngoài là không gian của gốm cổ, có niên đại từ thế kỉ XV đến thế kỉ XIX, với khoảng 300 cổ vật. Gian trong cùng trưng bày các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện đại, mới xuất xưởng, kèm theo đó là mô hình lò nung gốm cổ và một lò nung hiện đại.

img
Khách tham quan thích thú với không gian bình dị của nhà cổ Vạn Vân.

Những hiện vật gốm cổ đặc biệt được trưng bày trong hộp kính theo niên đại. Còn lại những dãy đồ gốm nhỏ, xếp hàng dài trên kệ nhiều tầng... Mỗi hiện vật gốm chứa một sự tích, một vẻ đẹp riêng, thể hiện nét tài hoa, sự khéo léo của những nghệ nhân. Đó có thể là điếu bát, điếu voi, bình vôi, củ tỏi, lọ rồng, đĩa, lư hương, các bản dập hoa văn nổi... hầu hết đều xuất xứ làng gốm ven sông Hồng, với tay nghề khéo léo và chế tác rất tinh xảo của nghệ nhân gốm. Trong đó, chiếm số lượng lớn hơn cả là gốm cổ thế kỉ XVIII - XIX. Tất cả đều đậm chất văn hóa, đậm nét tinh hoa gốm Bát Tràng. “Sản phẩm Bát Tràng có những nét đặc sắc mà ít làng nghề gốm sứ khác có được như men nhiều màu và được đắp nổi với những bản dập nổi cực kỳ tinh xảo. Đó là chưa kể cái chất men rạn, men xanh làm mê hoặc những người yêu đồ gốm” - ông Phạm Xuân Đài chia sẻ.

Không gian văn hóa đặc sắc

Kể từ khi hoạt động đến nay, nhà cổ Vạn Vân đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Ông Đài cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt khách ghé thăm, cuối tuần lượng khách sẽ đông hơn. Có người đến vì tò mò, nhưng đa phần là những người đam mê đồ gốm cổ, như chính chủ nhân Trần Ngọc Lâm.


Trong không gian của khu nhà cổ ta có thể bắt gặp những hình ảnh rất đỗi bình dị và mộc mạc của làng quê Việt Nam như chiếc thuyền, cối xay lúa, chiếc nia bên bức tường gạch cũ phủ màu rêu. Là gốc cau, giếng nước bên dưới là thảm cỏ mịn cùng vại nước, gáo dừa, cụm chuối, búi tre, cây mùng... Quanh khu nhà được kê nhiều chõng tre để khách tham quan ngồi nghỉ chân, có thể uống trà xanh, đánh cờ, vừa xem cổ vật và hòa mình vào trong thiên nhiên trong lành nơi đây. Chỉ đơn giản vậy thôi, Vạn Vân hiện lên thật cổ kính và thật lắng đọng.

img
Gian đầu tiên của ngôi nhà cổ.

 

Khách tham quan, ngoài những người yêu quý cổ vật còn có rất nhiều các bạn trẻ. Phạm Thị Minh Thư (sinh viên năm cuối Đại học Thương mại Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích không gian ở đây, đồ cổ khá phong phú và rất có giá trị. Tới đây tôi còn có thể ngồi nặn gốm hay tô tượng ngay trên những chiếc chõng tre, cảm giác rất thú vị”.

Vạn Vân có thể xem như bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Nhà sưu tầm Trần Ngọc Lâm với mong muốn "phát triển du lịch phải gắn liền với văn hóa”, đã xây dựng bảo tàng gốm để du khách bốn phương khi đặt chân đến Bát Tràng có thể thấy được cái hồn cổ vật, thấy được nét tinh hoa văn hóa lâu đời của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.