2 giải A về biển đảo
Năm nay là năm “được mùa” giải báo chí cả về số lượng lẫn chất lượng, khi có đến hơn 100 giải thưởng, trong đó lần đầu tiên trong suốt 8 mùa có đến 8 giải A. Trong đó, 2 tác phẩm đoạt giải A đề cập tới biển đảo là loạt bài “25 năm hải chiến Trường Sa” của Báo Thanh Niên và cầu truyền hình trực tiếp “Biển đảo của chúng ta” thể loại bình luận, giao lưu, tọa đàm (báo hình) của VTV.
Trao đổi với phóng viên NTNN, đại diện loạt bài “25 năm hải chiến Trường Sa”, tác giả Trương Quang Nam (Liên chi hội Báo Thanh Niên) chia sẻ: Có thể nói đây là loạt bài như một món quà tặng các cựu chiến binh đã từng chiến đấu, đổ xương máu tại Gạc Ma. Loạt bài là sự ghi nhận công lao to lớn của các anh. Sau chiến trận trở về, các anh mỗi người mỗi thân phận, sống âm thầm lặng lẽ ở mỗi miền quê khác nhau. Loạt bài là sự chia sẻ, động viên làm cho các anh vui hơn, ấm lòng hơn. Loạt bài cũng cung cấp cho người đọc những thông tin, hình ảnh giá trị và cảm động, qua đó nhắc nhở chúng ta về lịch sử, truyền thống, đạo nghĩa, lẽ phải cũng như khơi dậy lòng yêu nước, ý thức chủ quyền Tổ quốc.
“Khi biết tin loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa của Báo Thanh Niên đoạt giải A, cảm xúc nói chung là rất khó tả, dĩ nhiên tôi quá hạnh phúc và sung sướng. Đoạt giải gì cũng đã là vui sướng rồi, huống gì đoạt được giải A, đó là sự trọn vẹn không thể hơn được nữa. Đây là dấu mốc, thành quả tuyệt vời đối với bản thân người phóng viên và tờ báo. Nó càng có ý nghĩa hơn trong những ngày này, khi Tổ quốc ta đang đứng trước mối nguy xâm lược từ nước ngoài, mà cụ thể là chính Trung Quốc; vùng biển của đất nước ta một lần nữa lại dậy sóng” - nhà báo Trương Quang Nam tâm sự.
Nhà báo Trương Quang Nam cũng chia sẻ, điều có ý nghĩa trong cuộc đời phóng viên của anh là ngoài loạt bài đăng báo, anh đã giúp được các cựu chiến binh trong trận chiến 25 năm ở Trường Sa được gặp nhau. “Giúp các anh đoàn tụ, nhìn các anh vui sướng ôm vai bá cổ, vạch áo xem từng vết thương cũ của nhau, tôi rất cảm động và tự hào vì đã làm được việc có ích. Thực sự, khi nghe các anh kể về giây phút sinh tử trên đảo Gạc Ma, mình phải kìm nén, nuốt nước mắt vào trong” - nhà báo Trương Quang Nam tâm sự.
Nguy hiểm nhưng vinh dự
Giải Báo chí quốc gia năm nay ngoài những vấn đề “nóng” về biển đảo, chủ đề về tam nông, trong đó có xây dựng nông thôn mới; về các mặt đời sống xã hội, trong đó có buôn lậu, tiêu cực xã hội cũng đã nhận được nhiều giải thưởng. Nổi bật nhất trong số đó là loạt bài điều tra “Than lậu tại Quảng Ninh” của Liên chi hội Báo Nhân Dân và loạt bài “Xung quanh vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương” của Báo Nghệ An đã được Ban tổ chức vinh danh giải A với thể loại điều tra.
Chia sẻ về những tháng ngày lặn lội để thực hiện bài viết, nhà báo Khánh Ly - đại diện nhóm loạt bài điều tra “Xung quanh vụ việc vi phạm pháp luật ở Nghi Phương”, cho biết: “Trước sự diễn biến phức tạp tại một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An và sự kích động của các phần tử phản động Việt Tân trong vụ án xét xử Hồ Đức Hòa và đồng bọn về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tại phiên tòa sơ thẩm (9-10.1.2013) và phiên phúc thẩm diễn ra ngày 23.5.2013, tại TP.Vinh (tỉnh Nghệ An), Ban biên tập Báo Nghệ An đã chủ động cử phóng viên thâm nhập các địa bàn có cơ sở tôn giáo ở Nghệ An để nắm tình hình”.
Ngay khi diễn ra các vụ gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, bắt giữ, đánh đập người trái phép diễn ra tại Nghi Phương vào tháng 5, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2013, phóng viên Báo Nghệ An thường xuyên có mặt tại hiện trường để thu thập thông tin và có các bài viết phản ánh tới độc giả.
“Vì theo dõi cả một quá trình điều tra khá dài, nên trong thời gian xảy ra vụ việc, chúng tôi đã có các bài viết, phản ánh, phân tích với tổng cộng 96 tin, bài viết, phóng sự điều tra về các vụ vi phạm pháp luật xảy ra tại Nghi Phương, Nghi Lộc trên báo in, báo điện tử và bằng video clip” - nhà báo Khánh Ly cho hay.
Để xâm nhập thực tế, thu thập thông tin, nhóm phóng viên Báo Nghệ An đã hóa thân thành nhiều vai từ xe ôm, đến người buôn đồng nát, giáo dân đi lễ và sử dụng nhiều phương tiện, đổi biển số xe, kiên trì bám trụ, chờ đợi thời cơ để tiếp cận địa bàn bất kể thời tiết, bất kể ngày đêm để vạch mặt, đưa ra ánh sáng những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong vụ việc ở Nghi Phương.
Nhận giải A năm nay, nhà báo Khánh Ly xúc động: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận giải A Giải Báo chí quốc gia 2013. Đây là nguồn động lực rất lớn cho chúng tôi, những phóng viên báo Đảng, phóng viên ở tờ báo địa phương. Khi bắt tay vào loạt bài điều tra, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản làm theo sự chỉ đạo của Ban biên tập, và làm theo trách nhiệm của người làm báo, chứ không nghĩ mình sẽ đoạt giải”.