Ấn tượng nhất trong “đội quân” ấy chính là nữ BTV Phương Dung (sinh năm 1984), thuộc Ban Truyền hình đối ngoại VTV4.
Phương Dung cho biết, thực sự thì cô chưa bao giờ tác nghiệp trên biển, nên việc lãnh đạo Ban cử đi cũng đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, điều đó nhanh chóng bị khỏa lấp bởi việc tác nghiệp ở điểm nóng Hoàng Sa không phải ai cũng có cơ hội thực hiện. “Với lại, tôi từng học ở Trung Quốc, lại có vốn tiếng Trung kha khá nên việc lãnh đạo ban tin tưởng chọn đi cũng có lý do của nó” - cô cho biết. Nhận lệnh đêm trước, sáng hôm sau cô cùng êkíp của VTV 4 hợp với đoàn các nhà báo khác, nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến.
Kể về việc tác nghiệp ở đây, Phương Dung cho biết: Tâm lý chung của cả nhóm VTV4 khi đặt chân đến nơi là mong muốn làm sao có thể cập nhật được thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về đất liền. Khi tàu đưa các phóng viên của các hãng thông tấn ra đến nơi thì mọi người được chia ra các tàu nhỏ để tác nghiệp, như vậy sẽ thuận tiện hơn.
Vì thế, có những nhóm sẽ ở trên những con tàu hiện đại nhưng có những nhóm sẽ ở những tàu kém hiện đại hơn và chúng tôi đã ở trên một chiếc tàu như vậy. Tàu của chúng tôi không có vinasat nên không thể chuyển tin bài về ngay trong ngày, không cập nhật được những diễn biến đang diễn ra ngay tại thời điểm. Đó là một khó khăn. Nhưng bù lại, chúng tôi có thể thực hiện được những phóng sự nói về đời sống của các chiến sĩ và phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên tàu như thế nào.
Theo lời Dung, ra cách giàn khoan, đối mặt với vô vàn những nguy hiểm từ những cú đâm va của tàu Trung Quốc nhưng phận nữ nhi như cô vẫn không mảy may quan tâm. “Để có những hình ảnh ấn tượng mà khán giả có được xem, tôi đã phải đứng sát mép tàu và có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào.
Nhưng, chúng tôi vẫn say sưa tác nghiệp. Cá nhân tôi thì vừa dẫn bằng tiếng Việt, vừa bằng tiếng Trung. Làm xong công việc, mới thấy mình như trút được gánh nặng và cả sự sợ hãi. Phía sau mình là những con tàu sắt khổng lồ của Trung Quốc. Nếu nó đâm va vào tàu mình, chắc chỉ có nước rơi xuống biển...”.