Dân Việt

Nga lên án chiến dịch lật đổ Tổng thống Libya

21/04/2011 06:04 GMT+7
(Dân Việt) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, chiến dịch quân sự của phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya M.Gadhafi đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Nghị quyết của LHQ là chỉ cho phép sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường

Con trai Gadhafi lạc quan về chiến thắng

AFP dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga tại cuộc họp báo ở Belgrade trong khuôn khổ chuyến công du Serbia ngày 19.4, khẳng định: "Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ chưa bao giờ có ý định lật đổ Chính phủ Libya" và "tất cả những ai đang lợi dụng nghị quyết của LHQ để phục vụ mục đích này là vi phạm sự ủy thác của LHQ".

img
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở thành phố Misrata.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể giải quyết vấn đề Libya mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Ông Biden cho rằng, Mỹ không thể gánh vác tất cả các trách nhiệm và cần lựa chọn tập trung nguồn lực vào các điểm nóng như Iran, Ai Cập, Apghanistan, Pakistan...

Trước đó, một số quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đã nhiều lần từ chối cam kết về việc Mỹ trở lại với vai trò chính trong chiến dịch quân sự tại Libya với lý do NATO đang đảm đương tốt nhiệm vụ này.

Phát biểu trên truyền hình Allibya, Saif al-Islam, con trai Tổng thống Libya Gadhafi tuyên bố, ông "rất lạc quan" rằng chế độ của cha ông sẽ thắng thế trong cuộc chiến với phe chống chính phủ bùng phát cách đây hai tháng.

Ông Saif quả quyết, chế độ của cha ông sẽ "không tìm cách báo thù" những người nổi dậy muốn hất cẳng cha mình. Tuy nhiên, ông Saif cảnh báo "việc sử dụng vũ lực sẽ bị đáp trả bằng vũ lực và những người vượt quá 4 giới hạn đỏ sẽ phải hứng chịu hậu quả". "Bốn giới hạn đỏ" được thiết lập năm 2007, gồm Gadhafi, Hồi giáo, an ninh đất nước và đoàn kết dân tộc.

Libya thề quyết tử với bộ binh nước ngoài

Xung quanh đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) về việc cử bộ binh đến Libya để bảo vệ hoạt động nhân đạo, Tripoli tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại bất cứ đội quân nước ngoài nào đặt chân lên lãnh thổ Libya, kể cả trong trường hợp lực lượng này chỉ thực hiện nhiệm vụ hộ tống các đoàn xe chuyên chở hàng viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, quan chức cấp cao của lực lượng chống chính phủ đang kiểm soát Misrata, ông N.Abdullati, đã kêu gọi Anh và Pháp đưa quân đến thành phố này để hỗ trợ họ chống lại các cuộc tấn công của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi. Đây là lần đầu tiên phe đối lập đề nghị nước ngoài triển khai bộ binh tại Libya. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quốc gia nào hưởng ứng đề nghị này.

Ngày 20.4, LHQ cáo buộc quân đội chính phủ Lybia đã gây ra cái chết cho hơn 20 trẻ em trong cuộc tấn công chống lại phe nổi dậy ở Misrata - thành phố lớn thứ 3 của nước này. Điều này đã vi phạm nghị quyết của LHQ về bảo vệ dân thường.

BBC cho biết, Anh - một trong hai quốc gia mà phe đối lập Libya đề nghị triển khai bộ binh - thông báo sẽ cử các sĩ quan quân đội đến thành phố Benghazi ở miền Đông Libya với nhiệm vụ cố vấn và đào tạo cho lực lượng chống chính phủ.

Ngoại trưởng Anh William Hague nói rõ: Các sĩ quan quân đội Anh sẽ không tham gia các công việc huấn luyện, vũ trang và lên kế hoạch cho phe đối lập Libya. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Libya đã ra thông cáo nhấn mạnh: Việc Anh đưa bộ binh vào Libya sẽ gây tổn hại đến hòa bình và kéo dài cuộc chiến.

Pháp cũng đã chính thức bác bỏ ý tưởng triển khai quân trên bộ và ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya. Thủ tướng Pháp Francois Fillon cho rằng, không nên giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya bằng hành động quân sự của liên quân, mà cần tìm một giải pháp chính trị cho các bên đối thoại để phá vỡ bế tắc.