Oan Thị Mầu hay Thị Kính?
Ngay khi có vụ việc Hoa hậu Triệu Thị Hà - người đăng quang cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 đòi trả danh hiệu gây bất ngờ cho dư luận, đã có người nghi ngờ rằng đây phải chăng là một chiêu “PR” tên tuổi của người đẹp này sau một thời gian khá chìm trong giới giải trí.
Tuy nhiên, tìm hiểu ra mới biết, vụ việc này thì rõ ràng là Triệu Thị Hà bị oan, bởi lá đơn cô viết cách thời điểm sự việc bị tung lên báo chí đã 1 năm, chỉ có bà Kim Hồng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIAT (đơn vị tổ chức cuộc thi) là người biết chuyện này, và người đẹp không hề cung cấp thông tin cho báo chí.
Chuyện đã có từ cách đó 1 năm, vậy tại sao đến thời điểm giữa tháng 5.2014 mới được tung lên báo chí? Phải chăng là đã có chuyện sự việc cố tình bị ỉm đi để giải quyết theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” nhưng vì không xong nên cuối cùng bên nắm đằng cán đã tung ra cho báo chí vào cuộc để dùng truyền thông và dư luận tạo sức ép? Câu trả lời cho nghi vấn này, chính những người trong ban tổ chức cuộc thi sẽ nắm rõ nhất.
Thông qua cuộc tranh cãi um xùm trên mặt báo giữa Hoa hậu Triệu Thị Hà và bà Kim Hồng, có thể hình dung mặt trái mối quan hệ giữa người đẹp và “bà bầu” hoa hậu cũng chẳng mấy tốt đẹp. Khi cơm chẳng lành canh không ngọt, họ sẵn sàng vạch áo cho người xem lưng những chuyện hậu trường, người đẹp thì tố bị ép đi tiếp khách lúc nửa khuya, bà bầu hoa hậu thì tố ngược lại thí sinh, tung ra cả những chuyện yêu đương thuộc về đời tư..., cốt để bỉ mặt nhau thôi, chẳng có mục đích nào khác.
Qua báo chí, công chúng tự nhiên bị lôi vào cuộc, nay phải nghe người này mách tội, mai phải nghe người kia hạch sách, rồi đã rối càng rối thêm khi Sở VHTTDL TP.HCM có một công văn đồng ý tước danh hiệu của Triệu Thị Hà. Liền sau đó, một văn bản của Ủy ban Dân tộc cũng đồng ý với đề xuất này, nhưng Bộ VHTTDL- đơn vị cao nhất được ra quyền quyết định có tước danh hiệu (thực chất là nhận lại danh hiệu mà Triệu Thị Hà làm đơn xin trả) thì nhất quyết chọn kế “im lặng là vàng”, không có phát ngôn.
Vì sao nhùng nhằng?
Hơn 1 tháng sau khi sự vụ được hé lộ, các bên cứ lời qua tiếng lại... Nghe nói Ban tổ chức cuộc thi cũng dăm lần bảy lượt muốn Bộ VHTTDL vào cuộc để xử lý dứt điểm cho xong. May thay, phút cuối Bộ VHTTDL cũng “nhập cuộc”. Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Công ty CIAT nêu rõ căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, chưa có quy định về việc thu hồi danh hiệu Hoa hậu. Đó là lý do Bộ VHTTDL đi đến kết luận cuối cùng về việc không thu hồi vương miện của Triệu Thị Hà.
Nhân sự việc của Triệu Thị Hà, lại nhớ trường hợp của Hoa hậu Diễm Hương, sau khi có scandal người đẹp này khai gian là vẫn còn độc thân để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ (trong khi thực tế đã kết hôn), phản ứng của các bên khác hẳn. Dư luận bức xúc, Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị cấp phép cho Diễm Hương đi thi bức xúc, muốn Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt xử lý thật nghiêm để “răn đe”.
Thế nhưng cuối cùng, Ban tổ chức chỉ đưa ra một quyết định nhẹ nhàng là… nhắc nhở. Rõ là cái cảnh trớ trêu, người muốn trả danh hiệu thì chờ hơn 1 năm không được giải quyết, người đáng bị tước thì lại thoát khỏi “án phạt” dễ như chơi.
Tất cả cái sự nhùng nhằng này chỉ bởi khi có quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, đơn vị soạn thảo đã chẳng tính đến chuyện sẽ có ngày, cái danh thơm hoa hậu bị thí sinh mang ra trả lại. Trong quy chế tổ chức mọi cuộc thi đều ghi rõ: Ban tổ chức cuộc thi tự giải tán sau khi cuộc thi kết thúc, vậy là bây giờ làm gì còn cái Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 để mà đứng ra giải quyết cho tâm nguyện của Hoa hậu Triệu Thị Hà.
Một vị thanh tra văn hóa cho biết: “Vương miện của cuộc thi là vương miện luân lưu, giờ đây cô Triệu Thị Hà không phải là hoa hậu nữa, mà là đương kim Hoa hậu Ngọc Anh của cuộc thi năm 2013, vậy thì cô Hà có danh hiệu gì nữa đâu mà trả. Nếu đương kim hoa hậu mà trả vương miện thì Ban tổ chức mới có trách nhiệm giải quyết, giờ thì Ban tổ chức cũng đã giải tán rồi, không ai lại đi mời từng người về mà xử lý. Về góc độ cá nhân, nếu có mâu thuẫn gì về các điều khoản ký kết giữa cô Triệu Thị Hà và Ban tổ chức thì họ hoàn toàn có thể ra tòa án dân sự để pháp luật vào cuộc...”.
Bộ VHTTDL cuối cùng đã đứng ra phân xử cho vụ việc nhùng nhằng giữa hoa hậu và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Nhưng, bài học ở đây là gì? Nếu như trong quy chế tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, hoa khôi, người đẹp nhìn xa trông rộng và tính đến cả những trường hợp rắc rối như thế này, câu chuyện đã không có gì mà ầm ĩ.
Cần phải có quy định cụ thể, trong trường hợp nào, thời gian nào thì người đẹp được quyền trả lại danh hiệu, đơn vị đứng ra tiếp nhận và xử lý yêu cầu này là ai. Còn như hiện nay cứ quy chế một đằng, thực tế cuộc sống một nẻo thì sẽ còn khối chuyện không biết nên cười hay nên mếu...