Tài năng tất nhiên không phải là cái tội. Nhưng tài năng lại có thể khiến những người sở hữu nó cảm thấy… buồn. Ở World Cup 2014, có không ít siêu sao sẽ lâm vào cảnh trớ trêu khi bản thân tỏa sáng, nhưng đội tuyển của họ thì không thể tiến xa…
“Cánh én nhỏ” Ronaldo
Trong lịch sử, có không ít thiên tài gần như một mình đưa đội bóng vượt qua mọi thử thách tại các kỳ World Cup. Diego Maradona là dẫn chứng tiêu biểu khi “Cậu bé vàng” một thuở trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong hành trình chinh phục chức vô địch World Cup 1986 của Argentina.
World Cup 1994, “Tóc đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio đưa một Italia ì ạch, khô khan vào đến trận chung kết trước khi anh tự tạo ra bi kịch cho chính mình và đội bóng bằng cú sút luân lưu hỏng ăn trong trận chung kết gặp Brazil. Ở World Cup 2014, cũng có không ít cầu thủ phải gánh vác trách nhiệm của “đội bóng một người” như thế.
Cristiano Ronaldo chính là minh chứng điển hình. Ở đội tuyển Bồ Đào Nha, CR7 vừa là trái tim, vừa khối óc, là ngôi sao về chuyên môn và thủ lĩnh về tinh thần. Ngay ở vòng loại, trong 2 trận play-off, một mình Ronaldo đã ghi cả 4 bàn, giúp Bồ Đào Nha vượt qua Thụy Điển của Ibrahimovic với tổng tỉ số 4-2. Ronaldo là thần hộ mệnh của Bồ Đào Nha nên trước ngày vào giải, huấn luyện viên (HLV) Paulo Bento đã khẳng định: “Quá trình chuẩn bị World Cup của chúng tôi chỉ có 2 vấn đề: Tránh bị dịch bệnh và sức khỏe của Ronaldo”. Ronaldo có thể “sướng” khi là ngôi sao sáng nhất, nhưng cũng vì thế, anh sẽ khó có cơ hội nâng cao cúp vàng.
Ronaldo luôn khẳng định: “Tôi xứng đáng đoạt chức vô địch thế giới”. Và anh có thể không quá lời nếu xét về tài năng cá nhân, tiếc là điều đó rất khó trở thành sự thật. Đơn giản, ở tuyển Bồ Đào Nha, không ai có thể “chia lửa” cùng Ronaldo để giúp đội bóng tiến xa. Nói cách khác, chuyện Ronaldo phải gánh chịu bi kịch của “đội bóng một người” chỉ là vấn đề thời gian.
Một tay có che được bầu trời?
Không chỉ Ronaldo, tại World Cup 2014, có không ít đội tuyển được coi là “đội bóng một người” khi phong độ của họ có ảnh hưởng tới 70-80% mức độ thành công của đội bóng. Argentina không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng Lionel Messi nghiễm nhiên là thủ lĩnh. Messi sẽ không được gọi là huyền thoại thực sự và sẽ luôn bị khán giả nhà chỉ trích là “Cầu thủ Catalan đá thuê cho đội tuyển Argentina” nếu anh không giúp Argentina đăng quang. Cần nhớ rằng, tại World Cup 2010, khi rất được kỳ vọng, Messi đã không ghi được bàn thắng nào, còn Argentina thì bị loại ở tứ kết.
Với Bosnia, Edin Dzeko là nguồn cảm hứng cho cả đội bóng. Chân sút 28 tuổi này có trọng trách “giới thiệu vẻ đẹp và sức sống của bóng đá Bosnia với thế giới”, như chính cầu thủ này từng thốt lên sau khi giúp Bosnia vượt qua vòng loại. Nhưng khổ cho Dzeko, vòng chung kết World Cup có độ khắc nghiệt gấp nhiều lần vòng loại và đội Bosnia của anh khó lòng tiến xa.
Italia có Pirlo hào hoa, nhưng thành bại của đội bóng áo thiên thanh gần như sẽ phụ thuộc vào phong độ lẫn cá tính của Mario Balotelli. “Super Mario” vui, Italia có thể chinh phục mọi thử thách. Nhưng chỉ cần anh này đỏng đảnh, Italia lập tức nhạt nhòa. HLV Prandelli không muốn dựa quá nhiều vào một người tùy tiện như Balotelli, nhưng thực tế lại chứng minh, trước World Cup 2014, mỗi khi Balotelli ghi bàn (tổng cộng đã có 14 bàn), Italia không bao giờ thất bại. Nếu điều đó tiếp tục “ám” vào World Cup, cá nhân Balotelli và tuyển Italia sẽ gặp khó khăn thực sự, bởi tiền đạo gốc Ghana luôn là người cá tính quá đà.