Ở xã Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hóa) không ai không biết đến câu chuyện xuất ngoại thoát nghèo của Ngô Phương Thảo – một tu nghiệp sinh ở nhật cách đây 5 năm.
Gia đình Thảo thuần nông, bố mẹ chỉ làm ruộng, Thảo học hết THPT nhưng không thi đỗ đại học. Năm 2009, có thông tin một công ty của Nhật về tuyển tu nghiệp sinh – hình thức vừa học vừa làm, Thảo cùng nhiều bạn bè trong xã làm hồ sơ đi học tiếng Nhật để thi tuyển.
Sau khi trúng tuyển, Thảo sang làm cho một công thi dệt may của Nhật với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Sau đó, Thảo được công ty tạo điều kiện đi học tiếng Nhật tiếp và thi đỗ vào một trường cao đẳng nghề. 3 năm vừa học vừa làm, khi về Việt Nam cô đã trả hết hơn 250 triệu nợ ngân hàng vay lúc đi, có một số vốn kha khá “dắt lưng”. Điều quan trọng nhất là Thảo đã nghe, nói tiếng Nhật thành thạo.
Cô xin làm giáo viên tại một trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng ở Hà Nội, sau 2 năm Thảo đã đứng ra thành lập một trung tâm bồi dưỡng tiếng Nhật dành riêng cho học sinh muốn đi tu nghiệp sinh và du học theo hình thức học nghề tại Tp.Thanh Hóa.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngân (Mỹ Tho, Tiền Giang) sau khi tốt nghiệp THPT thì đi làm công nhân một thời gian, rồi cô đăng ký sang Nhật theo hợp đồng phái cử của trung tâm phát triển việc làm phía Nam. Sau 3 năm tu nghiệp, Ngân đã tích lũy được số tiền 550 triệu đồng để giúp đỡ gia đình.
Ngân cho biết, trong khi du học phần lớn chỉ dành cho học sinh thành phố, học sinh con nhà giàu, thì tu nghiệp sinh lại là cơ hội “đổi đời” của rất nhiều học sinh nông thôn, có chí tiến thủ. “Việc được tạo điều kiện vừa học vừa làm trong thời gian tu nghiệp sẽ giảm được gánh nặng chi phí rất lớn cho học sinh. hiện nay, nhiều công ty của Nhật liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tuyển tu nghiệp sinh”- Ngân nói.
Ngân cũng cho biết thêm, thông tin về các chương trình tuyển tu nghiệp sinh thường về được các sở, phòng LĐTBXH của địa phương và các trường nghề nên việc học sinh nông thôn tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng hơn.