Bước khởi đầu khó khăn
Từ khi còn là học sinh lớp 11 tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội, Lan Anh đã nuôi ước mơ đi du học. Em thường tự tìm hiểu thông tin du học trên mạng và nộp hồ sơ.
Sau một thời gian chờ đợi, Lan Anh nhận được kết quả trúng tuyển trúng tuyển học bổng Thế Giới Liên Kết tại Ấn Độ (Mahindra United World College of India). Ban đầu, gia đình rất lo lắng cho cô con gái nhỏ phải sống xa nhà. Nhưng cuối cùng, bố mẹ vẫn đồng ý để Lan Anh đi học.
Những ngày đầu trên đất Ấn Độ, Lan Anh vô cùng nhớ nhà và cô bạn bị sốc văn hóa. “Vì trường em là trường quốc tế nên các bạn học tới từ khắp nơi trên thế giới, mỗi người có một cách suy nghĩ, tư tưởng khác nhau nên việc cư xử cũng khác, từ ăn mặc cho tới sinh hoạt hàng ngày... Các bạn trò chuyện với thầy cô cũng rất cởi mở, trong khi em vốn đã quen với việc thầy cô giáo không quá gần gũi với học trò khi ở Việt Nam”, Lan Anh chia sẻ.
Điều đáng sợ nhất mà nữ sinh này từng trải qua là đối diện với rào cản ngôn ngữ. Mặc dù là một học sinh chuyên Anh nhưng thời gian đầu ở Ấn Độ, Lan Anh đã cảm thấy mình như bất đồng ngôn ngữ với các bạn học.
“Khi đó em cảm thấy sợ và tự ti vì em không theo kịp câu chuyện của các bạn. Dù mọi người đều nói tiếng Anh nhưng với ngữ điệu riêng của từng quốc gia và với trình độ cao hơn em rất nhiều”, Lan Anh nhớ lại.
Sau đó, phải mất một thời gian nỗ lực, cùng với sự động viên của gia đình qua những cuộc điện thoại, Lan Anh đã dần tự tin hơn. Cô bạn bắt đầu nỗ lực bằng việc cố gắng bắt chuyện với các bạn, lắng nghe nhiều hơn để tiếng Anh của mình được “sống” trong đúng môi trường thực sự.
Vượt qua được thử thách, Lan Anh cảm thấy: “Khó khăn là một phần cần thiết trên chặng đường để mình lớn khôn”.
Tìm ra hướng đi
Lan Anh (người thứ ba từ trái sang) mặc trang phục áo tứ thân truyền thống trong ngày Tết cùng các bạn bè tại Ấn Độ
Càng gần gũi với các bạn học ở ngôi trường quốc tế, Lan Anh càng cảm thấy bản thân cần phải học hỏi và tìm tòi nhiều hơn. Trong một cuộc trò chuyện dài 4 tiếng với bạn học, nữ sinh Việt đã phải đặt câu hỏi cho chính mình, rằng “Mình là ai, mình muốn trở thành người như thế nào?”. Lúc này, Lan Anh mới là học sinh lớp 11, chưa xác định được con đường tương lai.
Nhưng từ khi đặt cho mình câu hỏi đó, cô bạn đã luôn tìm kiếm câu trả lời. Để rồi Lan Anh tìm thấy bản thân mình và lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi trong những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ mọi người.
Quãng thời gian là học sinh, Lan Anh tham gia khá nhiều hoạt động tình nguyện, chung tay giúp đỡ người dân ở đất nước Ấn Độ, tham gia các hoạt động của CLB Thắp sáng niềm tin và đặc biệt là gắn bó với Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (SEALNet).
Những hoạt động với SEALNet đã giúp Lan Anh ngày càng trưởng thành và xác định ngày học đại học là chăm sóc sức khỏe con người.
Ước mơ trở thành người giúp đỡ, thúc đẩy các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng đã được Lan Anh chia sẻ trong hồ sơ xin học bổng trường ĐH Brown, Mỹ (một ngôi trường danh tiếng và có học phí đắt đỏ - PV). Câu chuyện thành thật và những hoạt động ý nghĩa mà Lan Anh tham gia đã thuyết phục ban tuyển sinh trường Brown trao cho cô bạn học bổng toàn phần trị giá gần 66.000 đô/năm.
Học bổng này bao gồm: học phí, chi phí ăn ở, chi phí chăm sóc y tế và một khoản khá cao cho những chi tiêu cá nhân.
Đam mê hoạt động tình nguyện
Lan Anh (trái) và bạn tham gia hoạt động của CLB thắp sáng niềm tin tại làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội
Trong khi chờ đợi tới ngày nhập học vào mùa thu này, Lan Anh đang chuẩn bị cho chuyến đi Brunei để thực hiện dự án giúp đỡ trẻ em tự kỉ và gắn kết cộng đồng. Dự án do SEALNet bảo trợ nhưng chi phí do chính Lan Anh – là chủ tịch dự án vận động đóng góp và sẽ có 12 tình nguyện viên quốc tế sát cánh cùng cô bạn thực hiện dự án này.
“Ở Brunei, hiểu biết về bệnh tự kỉ của trẻ em chưa cao và cũng chưa có nhiều tổ chức tình nguyện quốc tế ghé thăm đất nước này. Em và các bạn mở ra dự án này với mong muốn giúp đỡ về kiến thức và mở rộng mạng lưới tình nguyện viên tại đây”, Lan Anh chia sẻ.
Mới chỉ 19 tuổi, Lan Anh đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện ở Ấn Độ, Singapore và Việt Nam. “Để được tin tưởng vàtrở thành chủ tịch dự án, em đã trải qua rất nhiều thử thách ở SEALNet. Em nghĩ rằng, điều đầu tiên mình phải có tâm huyết với việc mình làm và thuyết phục mọi người bằng một kế hoạch chi tiết, đáng tin cậy và kêu gọi sự chung tay”, Lan Anh nói.
Mùng 1.7 tới đây, dự án của Lan Anh sẽ được tổ chức tại Brunei với sự đồng hành của các chuyên gia quốc tế. Sau khi kết thúc dự án, Lan Anh sẽ đến Mỹ để học đại học.
Chia sẻ với PV Dân trí, Lan Anh cho rằng mục đích cuộc sống là hạnh phúc hơn là có thật nhiều tiền. Chính vì vậy, cô bạn dành hầu hết thời gian rảnh thể tham gia hoạt động tình nguyện.
Đồng thời, Lan Anh cũng rất mong muốn có cơ hội mang các dự án tình nguyện về Việt Nam để có dịp đồng hành cùng với những tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình góp sức phát triển đất nước.