Cá nhân tôi nghĩ, ngủ trưa chỉ là thói quen chứ chẳng liên quan gì đến khoa học. Bằng chứng là trước đây tôi cũng rất ham ngủ trưa, ngủ nhiều lắm, phí thời gian. Sau rồi đi làm bận quá, không ngủ cũng chẳng sao. Ban đầu chưa quen có thể hơi mệt, nhưng sau này quen rồi thì thấy rất bình thường. Thậm chí làm việc thấy hiệu quả hơn nhiều, bởi ngày xưa quen ngủ trưa, hôm nào không ngủ là chiều đờ đẫn không làm được việc.
Tôi chỉ là nhân viên “quèn” mà còn thấy thói quen nằm ngủ ở văn phòng là không tốt, huống chi người ta là chủ doanh nghiệp. Hình ảnh trải chiếu ra sàn nằm vạ vật, mồm há hốc, chân gác lên bàn nhìn phản cảm lắm. Có ngủ thì nên ngủ ngồi ngả lưng ra ghế, chợp mắt 10-15 phút là đã tỉnh táo lại, còn nằm ngủ với giấc ngủ sâu 30-45 phút thì khi tỉnh dậy rất ì người.
Và ngẫm kỹ ra mới thấy ngủ trưa rất phí thời gian và làm con người lười nhác. Cứ hỏi tại sao công chức nước ta làm việc chểnh mảng, kém hiệu quả? Giờ trưa kéo nhau đi ngủ, rồi lẹm cả vào giờ làm, 2 giờ chiều mới tỉnh giấc, 5 giờ về thì làm được gì nữa. Cứ tiếp diễn như thế sao mà chẳng chây ì, lười nhác, ngại việc. Người quen của tôi là thủ trưởng một cơ quan Nhà nước bức xúc nói nhiều lần ông phải đi khắp các phòng để khua nhân viên dậy. Họ ngủ đến 2h chiều quên cả mở cửa để dân đến giải quyết công việc ngồi vêu mặt ngồi chờ.
Với 1-1,5 giờ nghỉ trưa có thể làm được rất nhiều việc như gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp, trao đổi thêm kiến thức, kinh nghiệm trong ngày làm việc, đọc báo cập nhật tin tức, vào facebook, chơi game, xem phim,…Một số đồng nghiệp nữ của tôi thì tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi tập erobic, tập nhảy, khiêu vũ…thân hình thon gọn, bốc lửa hơn, mà mỗi dịp công ty có sự kiện thì tha hồ trổ tài.
Tôi được biết, trong một số doanh nghiệp và ngân hàng nước ngòai cũng đã không cho nhân viên ngủ trưa trong văn phòng từ lâu rồi, chẳng qua họ không đưa ra lệnh cấm bằng nội quy như công ty này thôi. Quan niệm của họ là đúng, nhà là nhà, công ty là công ty, việc ngủ trưa trong văn phòng trông nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp lắm. Công ty kinh doanh, thường xuyên phải tiếp khách, đặc biệt là tiếp khách nước ngoài thì lại càng nên giữ hình ảnh, tác phong của công ty mình.
Nói chung, nếu đã hội nhập, toàn cầu hóa thì nên theo luật lệ, sân chơi chung của thế giới. Cứ vin vào cái “văn hóa riêng, bản sắc riêng” để giữ những cái thói xấu không giống ai thì chỉ tổ làm thế giới “sốc” như mấy ông Mỹ, Hà Lan kia đã “sốc” mà thôi!