Dân Việt

Nghệ sĩ mỏi mòn chờ... chế độ

21/04/2011 20:12 GMT+7
(Dân Việt) - Nỗi khổ của nghệ sĩ lại thêm một lần được xới xáo lên bởi chính những người làm công tác quản lý hoạt động nghệ thuật. Kéo dài việc điều chỉnh cơ chế chính sách đã làm cuộc đời nghệ sĩ bớt “tươi tắn”.

Đời không phải là màu hồng

Nhìn nghệ sĩ lúc nào cũng phơi phới trong hoa tươi và vòng tay công chúng nhưng quả thực không phải lúc nào cuộc đời cũng màu hồng. Đời nghệ sĩ đầy lo toan đã được dư luận khai thác khá nhiều qua những cuộc mưu sinh bất tận. Căn cứ thêm vào thực trạng chế độ chính sách với những bất cập qua nhiều năm áp dụng chưa kịp sửa đổi, bổ sung lại càng thấy nhiều nghệ sĩ khó khăn một cách “có hệ thống”.

img
Nghệ sĩ múa chịu nhiều thiệt thòi với tuổi nghề ngắn ngủi, luôn phải lo lắng công việc sau khi rời sàn diễn.

Ngay các nhà quản lý trực tiếp triển khai chính sách cũng thấy ái ngại về lương, tuổi nghề, tuổi nghỉ hưu, chế độ đào tạo, bồi dưỡng… của nghệ sĩ.

Theo nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì một người đi hết 26 bậc thang lương theo chế độ phải mất 70 năm từ khi biên chế chính thức, trong khi tuổi nghề nghệ sĩ trung bình chỉ 10-15 năm.

Ngoài ra, những nghệ sĩ mới ra trường, không phân biệt trình độ trung cấp, cao đẳng hay đại học, lương khởi điểm đều thấp hơn mức khởi điểm trong bảng lương viên chức. Tuổi nghề ngắn vô hình trung trở thành sự cản trở. Thế hệ trước đến tuổi nghỉ ngơi nhưng chưa nghỉ hưu khiến lớp trẻ sung sức không vào, khó vào hoặc chỉ được ký hợp đồng “lèng mèng”.

Theo TS Đào Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, sinh viên ra trường có khi chỉ “hợp đồng lời” hay đi chạy cảnh. Để tồn tại và làm nghề, nhiều khi nghệ sĩ phải “chạy” đủ thứ việc “linh tinh”.

Diễn viên được xếp vào lao động thuộc nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 60% số nghệ sĩ thanh nhạc bị viêm thanh quản, 45% số nghệ sĩ kèn hơi bị bệnh trĩ, 80% số nghệ sĩ biểu diễn dàn nhạc bị bệnh tim và huyết áp, trên 50% nghệ sĩ xiếc, múa bị thấp khớp…

Làm gì để đỡ thiệt thòi?

Theo ông Hồ Trí Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ VHTTDL, để tạo thuận lợi hơn cho nghệ sĩ, từng có đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Nhưng theo lộ trình, phải tới năm 2012 Quốc hội mới xem xét được. Ông Hùng nói: “Tuổi lao động được tính từ 18, với nghệ sĩ được tính từ 15. Hết tuổi biểu diễn mà sức lực vẫn còn, vậy phải tạo điều kiện để anh chị em phục vụ xã hội tiếp như thế nào?

Theo nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, nhiều năm qua không hiểu sao không có thi nâng ngạch cho nghệ thuật biểu diễn. Hầu hết nghệ sĩ cống hiến lâu dài, có nhiều thành tích tầm quốc gia, quốc tế vẫn ở ngạch hạng III và không có triển vọng nâng ngạch như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSND Kiều Ngân, NSƯT Hà Mạnh Chung (Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), NSƯT Nguyễn Công Đạo, NSƯT Trần Thị Mơ (Dàn nhạc Giao hưởng VN)…

Tại Hội thảo “Xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực VH, TT, DL và gia đình” tổ chức hôm 19.4, đã có những kiến nghị nên thiết kế lại thang, bảng lương riêng cho diễn viên khác với viên chức thông thường theo hướng không phân biệt trình độ đào tạo.

Cũng như cần xét nâng lương trước niên hạn cho các nghệ sĩ đạt thành tích từ huy chương vàng hoặc tương đương tại các liên hoan trong và ngoài nước, được phong NSND, NSƯT, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2 năm trở lên hay bằng khen của cơ quan cấp trên…

Ngay trong vấn đề danh hiệu thì ngoài các đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, hoạ sĩ… đã hầu như không có gì hơn ngoài danh hiệu NSƯT hay NSND, còn những người sáng tạo đầu vào như tác giả, nhà biên kịch, nhà văn… thì theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh, họ vẫn đứng ngoài cuộc. Mặc dù, xét về nhiều khía cạnh, họ cũng mang tư chất nghệ sĩ và có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật.

Chờ đợi quá lâu và do thúc bách của đời sống, thời giá, nghệ sĩ từ lâu đã phải chủ động mưu sinh rất nhiều. Những cải tiến chính sách trong tương lai (nếu có) liệu có theo kịp thực tế hay đáp ứng được những nguyện vọng giản dị của nghệ sĩ?