Dân Việt

Chính thức cho phép mang thai hộ

21/06/2014 15:50 GMT+7
Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận căng thẳng trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình là “cho phép mang thai hộ” cuối cùng đã được Quốc hội thông qua.
Tại phiên họp chiều 19.6 của Quốc hội, dù chỉ đạt tỷ lệ 59,65% số đại biểu tán thành, song dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã chính thức được thông qua cùng nội dung đáng chú ý trên.

Mang thai hộ phải tự nguyện

Theo đó, luật đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo song phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Các cặp vợ chồng vì lý do nào đó không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện, gồm: giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Ngoài ra, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; đang ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Ngoài ra, luật cũng quy định các điều kiện cụ thể về hôn nhân, kết hôn. Cụ thể, để có thể kết hôn, công dân phải đảm bảo các điều kiện: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên và việc kết hôn phải do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, theo luật mới sửa đổi, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Nội trợ cũng tính là lao động có thu nhập

Bên cạnh những nội dung trên, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, luật quy định giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đáng chú ý, việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.

Về tài sản chung của vợ chồng, theo luật, đó là tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Trước đó, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Phá sản sửa đổi với những quy định mới được điều chỉnh, bổ sung về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản…