Hiệp ước Geneva đã thỏa thuận những điều rất quan trọng: Pháp và các nước cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời… 60 năm sau, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Việt Phương - cựu thành viên của Chính phủ ta tham dự Hội nghị Geneva tổ chức ở Thụy Sĩ.
“Mong manh” vĩ tuyến
Giai đoạn 1 của hội nghị bắt đầu từ ngày 18.5 đến ngày 20.6.1954, bao gồm 8 nước 9 bên (sở dĩ có 9 bên bởi vì Việt Nam có hai bên tham dự).
Trong giai đoạn đầu hội nghị là cuộc tranh cãi giữa ta và Pháp về thực lực trên chiến trường. Khi chỉ lên bản đồ có những phần thuộc ta đã giải phóng thì bên Pháp cứ nhận bừa là đang chiếm. Sau một thời gian tranh cãi thì phương án đầu tiên là “da báo”. Tức là hai bên sẽ chia nhau theo từng vùng. Nhưng rốt cuộc phương án này không khả thi.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ ngày 13.7 sẽ chia nhau theo vĩ tuyến. Phía ta yêu cầu lấy vĩ tuyến 13 là ranh giới. Phía Pháp đòi lấy vĩ tuyến 18. Lại tiếp tục tranh luận.
Lúc này Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên liên lạc và chỉ đạo đoàn cán bộ ở hội nghị qua điện tín gửi bằng mật mã nhưng phải gửi nhờ qua Bắc Kinh.
Tới giữa chừng của hội nghị, đại diện của Trung Quốc là ông Chu Ân Lai quay trở về Côn Minh và có trao đổi với Hồ Chủ tịch về những diễn biến của hội nghị.
Thời điểm này Trung Quốc và Pháp đã có những cuộc trao đổi riêng với nhau và ngầm thỏa thuận sẽ chọn vĩ tuyến 17, sau đó Chu Ân Lai cũng đã đề nghị với Liên Xô chấp nhận điều kiện này.
Trưởng đoàn Liên Xô là Viacheslav Molotov vì muốn nâng cao vị thế của Trung Quốc lúc này đang ở vị thế đồng minh nên chấp nhận. Gặp gỡ tại Côn Minh, chúng ta đề nghị lùi xuống vĩ tuyến 16 thì ông Chu Ân Lai đã nói rất khéo với Hồ Chủ tịch là: “Xin phép cho được toàn quyền quyết định vì là người trực tiếp ở ngoài”.
“Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng...”
Cuối cùng đúng vào 1 giờ sáng ngày 21.7.1954, Hiệp nghị Geneva đã được ký kết. Hiệp định này đã ký chậm một vài tiếng so với lời hứa là sẽ đạt được thỏa thuận vào ngày 20 của Chính phủ Pháp.
Khi Hiệp định ký xong, thì tôi thấy một số anh em trong đoàn có vẻ rất buồn, như các đồng chí: Hà Văn Lâu, Nguyễn Thanh Hà, Phan Lê Đoàn… vì thấy quê hương mình vẫn chưa được giải phóng. Trong phái đoàn 31 cán bộ đó đến nay chỉ còn sống 5 người.
Có những chuyện vui vui mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ. Ví dụ như Trưởng đoàn phía miền Nam là Trần Văn Đỗ, trong đoàn của chúng ta cũng có một văn thư tên là Đỗ Uông. Do bưu điện của Geneva thấy tên hai người gần giống nhau nên thư từ Việt Nam sang thường nhầm lẫn. Tất nhiên những tài liệu gửi cho Trần Văn Đỗ rất quan trọng vì ông ấy là trưởng đoàn. Biết chuyện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra lệnh không được xé phong bì và mang sang gửi lại cho họ. Ngược lại, phía miền Nam cũng gửi trả lại cho chúng ta thư của ông Đỗ Uông.
Trong buổi gặp mặt và phát biểu ý kiến cuối cùng của các trưởng đoàn, đồng chí trưởng đoàn Phạm Văn Đồng khi nói đã không nhìn xuống các thành viên hội nghị như các trưởng đoàn khác mà hướng mặt về phía nước Việt Nam, nói với dân tộc Việt Nam: “Chúng tôi đã làm hết sức của mình, chúng tôi đã có chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, nhưng mới chỉ giành được một nửa của đất nước. Cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục kéo dài, khó khăn và gian khổ nhưng chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng”.