Hoàng Sa mãi là nhà
Ông Tạo tâm sự: “Gia đình tôi có ngày hôm nay là nhờ cả vào biển Hoàng Sa. Tôi ở Hoàng Sa nhiều hơn ở nhà, nơi ấy đã gắn bó từ lúc tôi chỉ có 1 chiếc tàu nhỏ nay thành 3 chiếc tàu với tổng công suất trên 1.500CV, tổng tài sản hàng chục tỷ đồng”.
Ông Tạo ra Hoàng Sa từ năm 17 tuổi. Tất cả anh em trong gia đình đều lấy Hoàng Sa làm ngư trường đánh bắt. Tại đó, em trai út của ông (Huỳnh Văn Thời) đã mãi mãi nằm xuống năm 20 tuổi.
Năm 2005, ông dùng số tiền dành dụm làm nhà để nâng cấp tàu nhỏ lên 450CV. “Ra Hoàng Sa phải có tàu lớn” - ông Tạo bảo. Tàu lớn bám biển dài ngày, mỗi chuyến biển ông thu lời hàng trăm triệu đồng.
Sau 4 năm, ông đóng chiếc tàu thứ 2 (QNa 90244) trị giá 2,6 tỷ đồng. Năm 2009, đóng thêm chiếc thứ 3 (QNa 90398) trị giá 3,1 tỷ đồng. Mỗi chuyến biển của 3 tàu, ông thu khoảng 70 tấn thủy hải sản, bán được gần 2,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 45 ngư dân.
Không thể xa Hoàng Sa
Ngư dân Huỳnh Văn Sang chia sẻ: “Chúng tôi gọi anh Tạo là người hùng đại dương vì anh đã người đầu tiên của các làng biển Tam Quang đưa tàu công suất lớn ra Hoàng Sa. Lúc đầu, chỉ với chiếc tàu trên 90CV, lưới vây. Thấy trúng, anh kêu gọi anh em địa phương góp tiền cải hoán, đóng tàu mới ra Hoàng Sa. Từ anh Tạo, nay xã Tam Quang có gần 100 chiếc tàu lớn đánh bắt tại vùng Hoàng Sa. Chúng tôi quyết tâm bám biển Hoàng Sa dù Trung Quốc ngang ngược tới đâu…”.
Ông Tạo tâm sự: “Những ngày mùa đông, biển động, không ra khơi được, tôi nhớ Hoàng Sa đến quặn lòng, nơi gắn bó cả đời đi biển của tôi. Tôi nhớ nhất là chuyến cứu tàu của ngư dân Phan Nhật (trú Đà Nẵng) bị nạn vài năm trước. Vừa ra khơi được 7 ngày, nhận được thông tin tàu ông Nhật bị sóng đánh chìm cách tàu tôi khoảng 100 hải lý. Tàu tôi chạy từ sáng, chiều tối mới đến nơi tàu bị nạn. Lúc này cả 11 ngư dân trên tàu anh Nhật đã đuối sức trong chiếc thúng chai nhỏ. Nếu tàu tôi đến trễ 1 tiếng thì họ mãi mãi nằm đáy biển Hoàng Sa như em trai tôi".
Khi nói về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại Hoàng Sa, ông Tạo bức xúc: “Bình thường chưa có giàn khoan, lực lượng hải giám của Trung Quốc đã uy hiếp ngư dân, phá công cụ sản xuất, rượt đuổi tàu cá Việt Nam… Nay thêm việc đặt giàn khoan, ngư dân chúng tôi càng khó khăn hơn. Nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá, thả lưới bị tàu Trung Quốc xua đuổi, mỗi lần như vậy thất thu cả trăm triệu đồng. Nhưng, chúng tôi không sợ, vẫn bám biển. Nếu mình không hiện diện tại vùng biển nước ta thì Trung Quốc được đà lấn tới, từ đó mất luôn ngư trường”.