Dân Việt

Nhà báo Vũ Công Lập: World Cup 2014 thật khó lường

Chính Minh 22/06/2014 20:06 GMT+7
World Cup 2014 vẫn chưa đi hết lượt trận thứ 2 vòng bảng nhưng đương kim vô địch Tây Ban Nha và cựu vô địch Anh đã lần lượt bị loại. Phía trước, không loại trừ khả năng một “ông lớn” khác là Italia cũng không thể vượt qua vòng bảng. Và theo nhà báo Vũ Công Lập, thật khó đoán định điều gì về ngày hội bóng đá thế giới đang diễn ra ở Brazil…

Chia sẻ với Dân Việt, nhà báo Vũ Công Lập nói: “Tôi thấy thật khó đoán định về các trận đấu, phong độ của mỗi đội bóng tại World Cup lần này. Rạng sáng 21.6, Pháp chơi tấn công rất hay và thắng trước Thụy Sĩ 5-0. Nhưng cuối trận, hàng thủ của họ lại chơi dở, để thua lại 2 bàn. Trận đấu giữa Hà Lan – Australia đêm 18.6 cũng vậy, hàng công của họ chơi tốt, nhưng thủ lại tồi, may mà chung cuộc vẫn thắng 3-2".

"Điểm chung dễ nhận thấy là các hàng thủ của các đội bóng ở World Cup lần này chưa tốt. Mà có một câu nói mà tôi rất nhớ: “Hàng công tạo nên một trận thắng, nhưng hàng thủ mới tạo nên một nhà vô địch”. Có lẽ, phải khi kết thúc World Cup 2014, chúng ta mới biết đội nào sẽ đăng quang, còn thời điểm này, không thể nói gì được”, nhà báo Vũ Công Lập bổ sung.

Trước câu hỏi về khả năng vô địch World Cup của đội tuyển Đức – nền bóng đá mà nhà báo Vũ Công Lập rất am tường, ông chia sẻ: “Nhiều người tin đội tuyển Đức sẽ vô địch World Cup 2014. Nhưng tôi cho rằng, tuyển Đức vừa “chín” những cũng “chưa chín”. Tôi nhìn bóng đá Đức dựa trên xã hội Đức. Ở Đức bây giờ không giống 50 năm trước luôn rất ý chí, “sắt thép” và kỷ luật. Ở Đức bây giờ đã có sự hòa trộn từ dòng máu, văn hóa với các nước khác: Brazil, Ba Lan… Họ cũng đề cao sự sáng tạo chứ không phải như một “cỗ xe tăng” nữa. Trong trận bán kết Euro 2012, khi Đức thua Italia 1-2, nhiều người đặt dấu hỏi, đi tìm ý chí, bản lĩnh, "chất" Đức ở đâu? Nhưng thật khó tìm khi Đức ngày nay không còn nguyên bản?”.

Bình luận sâu hơn về bóng đá nói chung, nhà báo Vũ Công Lập bày tỏ quan điểm: “Bóng đá ngày nay hơn bóng đá trước kia nhiều về khoa học công nghệ, vật chất, nhưng kém xa về độ thưởng thức".

Mượn câu chuyện từ một phóng viên nước ngoài, nhà báo Vũ Công Lập chia sẻ: "Có một phóng viên được giải thưởng báo chí ở Đức đã viết bài nêu rõ những tác hại của đồng tiền đối với bóng đá hiện nay. Không chỉ bóng đá Việt Nam mà cả bóng đá thế giới đều chịu ảnh hưởng của nạn cá độ, hối lộ… Tất cả những điều đó đang giết chết bóng đá, giết chết cảm xúc. Và khi không còn cảm xúc, người hâm mộ sẽ không tới sân và khi đó bóng đá sẽ chết. Biết rõ điều đó, nhưng những ai dám đấu tranh và đấu tranh tới mức nào để loại bỏ những mặt tiêu cực khỏi bóng đá".

Nhà báo Vũ Công Lập khẳng định một trận đấu bóng đá cũng như một bộ phim, một tác phẩm văn học. Và không nên đặt nặng vấn đề phân tích, tranh luận mà cần yêu, cảm nhận và thưởng thức bóng đá: “Tôi là người nặng về cảm xúc và mỗi khi viết gì hay bình luận điều gì, đều cố gắng truyền đạt cảm xúc của mình đến với độc giả. Xem một bộ phim, một tác phẩm văn học, mỗi người đều có những cảm nhận riêng, có sự yêu-ghét riêng với từng nhân vật".

 "Xem một trận bóng đá, mỗi người cũng có những cảm nhận riêng. Và với tôi, mỗi sự cảm nhận đều có cái hay mà nếu để ý mình sẽ học hỏi được nhiều từ cách cảm nhận của người khác. Trong cuộc sống cũng vậy, mỗi người đều có thể là thầy của mình nếu mình tìm thấy ở họ một điểm nào đó mình cần học hỏi”, tiến sĩ, nhà báo từng chơi tiền đạo trong màu áo đội tuyển Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tâm sự.