Tại Bệnh viện K, giữa cuộc chiến với căn bệnh ung thư, các bệnh nhân và người nhà vẫn dõi theo World Cup, dù chỉ xem qua điện thoại
Hà Nội một đêm mưa tầm tã, những cửa hàng đã sập cửa tự bao giờ, phố xá vắng người qua lại, tôi đến bệnh viện K để tận mắt chứng kiến hình ảnh bệnh nhân nơi đây thưởng thức World Cup 2014. Không gian tĩnh mịch vây kín, gió rít len lỏi qua từng ô cửa, hành lang bệnh viện.
Cảnh tượng đó khiến những người yếu tim chắc khó lê bước vào nơi mà nhiều người đang oằn mình để giành giật sự sống. Bệnh viện lúc nửa đêm nên hầu hết các phòng bệnh nhân đã đóng cửa. Nhác thấy khu nhà ở khoa ngoại C vẫn còn sáng đèn, tôi bước lên cầu thang. Đập vào mắt tôi là hình ảnh rất đáng thương: một chàng trai trẻ bên chiếc nạng đang chăm chú xem bóng đá qua chiếc điện thoại.
Argentina - Iran qua điện thoại
Bóng Brazuca lăn qua hành lang bệnh viện
Nhiều người vẫn nói, bệnh viện như xã hội thu nhỏ với nhiều mảnh đời khác nhau. Người giàu có hay người nghèo đều có khả năng mắc bệnh như nhau, nhưng khi vào đây, tất cả đều rất hòa đồng. Hôm tôi vào bệnh viện K khi trận Argentina - Iran đang diễn ra và rất ấn tượng khi rất nhiều người tụ tập bên chiếc ghế băng, bên hành lang bệnh viện để xem hai đội so tài qua… chiếc điện thoại di động. Những đường bóng hay, các cơ hội mà Argentina bỏ lỡ khiến những khán giả “đặc biệt” được sống trong phút giây ở nơi rất xa xôi, Brazil.
Xoa nhẹ đôi mắt đang hốc hác vì phải nhiều đêm mất ngủ để chăm người nhà bị bệnh, chú Lê Văn Sung (xã Tăng Tiến – Việt Yên – Bắc Giang) thở dài sau đường bóng hỏng của Messi: “Mấy ngày hôm nay may mà có World Cup chứ không đêm hôm buồn lắm! Ban ngày đi phục vụ người em trai của đang bị ung thư dạ dày, nằm điều trị ở đây đã mệt mỏi rồi, nhưng đêm về phải nghĩ sao để xoay có thêm tiền hòng bám trụ ở đây là điều nan giải lắm. Khổ thân nó, gia đình nghèo, vợ nó vừa bán sào ruộng được 62 triệu đồng mang lên Hà Nội đưa cho tôi để lo chữa trị bệnh tật cho em nó, may ra qua cơn hoạn nạn này”.
Chia sẻ với tâm trạng của chú Sung, anh Phạm Văn Tuấn (đường Thiên Lôi – TP.Hải Phòng) nói rằng, ai vào đây cũng phải “chiến đấu” với những khó khăn từ tiền bạc cho đến bệnh tật nhưng cứ phải lạc quan và nghĩ về tương lai tốt đẹp! “Mẹ tôi vừa mổ, cắt bỏ một phần trực tràng, may mà phát hiện bệnh sớm chứ không thì nguy lắm rồi”, anh Tuấn bộc bạch.
Thấy những thân nhân đến chăm sóc bệnh nhân không có tivi xem bóng đá, anh Tuấn đã nhờ bạn bè ở Hải Phòng gửi lên Hà Nội cho mình chiếc điện thoại thông minh, màn hình cỡ lớn để hằng đêm mang ra hành lang, “cháy” cùng những trận đấu đỉnh cao ở World Cup. “Thú thật, khi vào viện, chưa biết mẹ mình sống chết thế nào nhưng cái máu bóng đá nó cứ lởn vởn trong đầu tôi. Đến khi mẹ tôi mổ xong xuôi, mọi chuyện khá dần lên thì ngồi xem bóng đá cũng rất thú vị. Đúng là bóng đá lạ kỳ thật, đã mê rồi thì khó bỏ lắm”, anh Tuấn nói rồi vỗ tay đôm đốp khi Messi xuất thần tung cú cứ lòng chân trái điệu nghệ, mang về chiến thắng chung cuộc 1-0 cho Argentina ở phút chót.
Vui khi những trận đấu có bàn thắng và cảm giác vỡ òa lúc đội bóng mình yêu thích giành chiến thắng. Nhưng sau những trận bóng, họ lại đắm chìm vào những nỗi lo rồi cầu mong cho thân nhân mình sớm chiến thắng bệnh tật. Thế mới biết, xem bóng đá ở lằn ranh sinh tử nó khác lạ nhưng vẫn ngời ngợi xúc cảm về tình yêu bất diệt với trái bóng tròn!
“Trâu bán rồi, vẫn mơ về Brazil!”
Trong số những khán giả đặc biệt ở bệnh viện K, tôi làm quen với một người đàn ông trung niên quê ở Phù Yên (Sơn La). Anh không muốn nói rõ tên mình vì “đến viện là để chăm em rể bị ung thư dạ dày” nhưng khi nói về bóng đá, mắt anh sáng ngời: “Khi em nó nhập viện, tôi bán hai con trâu được hơn 20 triệu đồng. Tất cả để mong cứu sống nó và cũng giống như mong Đức năm nay vô địch World Cup năm nay. Đội đó đá hay quá, làm tôi cứ mơ được sang tận Brazil để xem họ đá!”.