Dân Việt

“Người đẹp Tây Đô” một thời trải lòng

22/04/2011 09:58 GMT+7
Ở tuổi ngoài 60, người đẹp một thời Mộng Tuyền vẫn giữ được sự tươi trẻ và duyên dáng. Có một thời tuổi trẻ với đủ đầy danh vọng nhưng phải đến tuổi xế chiều, nữ nghệ sĩ này mới cảm thấy hài lòng với cuộc sống.
img
Nghệ sĩ Mộng Tuyền

Đã đến lúc sống cho mình

Kể từ khi quyết định “tái xuất” vào năm 2007 chị đã tổ chức hai live show, ra 1 CD tân cổ, tham gia nhiều chương trình sân khấu cải lương nhưng chỉ có mặt duy nhất trong một phim truyền hình Tôi là ngôi sao (2007). Phải chăng “Ảnh hậu” đã không còn sức hút với màn ảnh?

- Sau Tôi là ngôi sao tôi vẫn nhận được rất nhiều lời mời làm phim, nhưng đều đã từ chối. Tôi đã qua cái thời muốn nổi tiếng, lúc nào cũng phải nhắc nhở mọi người nhớ đến mình rồi.

Bây giờ tôi không muốn bôn ba cực khổ để tìm kiếm danh vọng nữa mà chỉ muốn sống cho mình, cho niềm đam mê lớn nhất cuộc đời mình là sân khấu cải lương.

Ngày trước cũng vậy và bây giờ cũng vậy, dù sân khấu cải lương đã không còn được như xưa nữa, tôi vẫn thích được là một nghệ sĩ cải lương hơn là một tài tử điện ảnh.

Nhưng khi ở giai đoạn đỉnh cao (thập niên 1960, 1970), khán giả lại thấy chị xuất hiện trên màn bạc nhiều hơn là trên sân khấu.

- Đúng vậy, tôi xuất thân là một cô đào cải lương nhưng kể từ khi bén duyên với điện ảnh qua bộ phim Thương muộn của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thì tôi lại chuyển qua đóng phim nhiều hơn.

Khi ấy tôi là trụ cột của một gia đình có hơn 10 miệng ăn. Nhà tôi có 9 anh chị em và người chị thứ hai của tôi có tới 10 người con. Kinh tế cả gia đình hoàn toàn trông cậy vào tiền đi hát và đóng phim của tôi. Tôi đến với điện ảnh như một cái duyên, điện ảnh đã giúp tôi nổi tiếng hơn, được công chúng biết đến và yêu mến nhiều hơn, và nhất là kiếm được nhiều tiền hơn để chăm lo cho gia đình.

Còn cải lương lại khác, chỉ khi đứng trên sân khấu cải lương tôi mới cảm nhận được trọn vẹn lòng yêu nghề, say mê hứng thú với nghề, mới thấy “thấm” qua từng lời ca, tiếng đờn.

Vậy là bây giờ chị đã không còn vướng bận điều gì ngoài nghệ thuật nữa?

- Tính ra từ năm 1988 khi tôi theo chồng định cư ở Pháp thì xem như bổn phận đã tròn. Tôi tự hào vì mình đã nuôi các em ăn học đàng hoàng, tất cả đều có gia đình và thành đạt. Vì nhiều lý do trong suốt bao năm qua, đã 31 lần về Việt Nam nhưng tôi không dám trở lại sân khấu vì chỉ cần một lần thôi là sẽ không thể kìm được nỗi nhớ nghề.

Mãi đến năm 2007 tôi mới chính thức trở lại sàn diễn và đến hôm nay thì có thể khẳng định mình sẽ dành khoảng thời gian còn lại để sống cho nghề, tri ân cho nghề, cho khán giả.

Còn cuộc sống riêng, chắc là người đẹp đã hết… lận đận?

- Tôi cũng không nghĩ là mình lận đận. Tôi hãnh diện vì được chăm lo cho gia đình nên những người đến với tôi đều phải hiểu và chấp nhận. Tôi lấy chồng khi còn rất trẻ, cũng chưa biết yêu. Nhưng đấy là năm 1968, các đoàn hát hầu như không hoạt động được vì thiết quân luật.

Tôi lấy một người chồng giàu có để có tiền lo cho các em. Đến hôm nay thì tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống khi đã tròn bổn phận với gia đình, tình cảm gia đình luôn được duy trì khăng khít, cũng tìm được người hiểu và chấp nhận lý tưởng của mình.

Thuở nhỏ tôi đã không có tuổi thơ, lớn lên thì lại thiếu tuổi xuân, nay về chiều tôi lại thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất khi được sống cho chính mình.

Khi lên sân khấu: phải quên mình là ai

Được biết chị đã là một ngôi sao cải lương và đoạt giải Thanh Tâm năm 1963 với nghệ danh Kim Loan. Tại sao chị lại đổi sang nghệ danh Mộng Tuyền trong khi cái tên Kim Loan đang nổi?

- Đó là khi tôi tham gia vở cải lương Mùa xuân còn mãi của soạn giả Kiên Giang và được giao vai sơn nữ Mộng Tuyền rất dễ thương. Vai diễn rất thành công và ba tôi muốn đổi nghệ danh này cho tôi.

Lúc đầu tôi cũng không chịu vì Kim Loan là tên thật và mình cũng đã gây dựng danh tiếng từ tên này. Nhưng ba tôi lại rất kiên quyết, ông nói tên của tôi là do ba đặt nên ba có quyền lấy lại. Ba thích tên Mộng Tuyền gần gũi, dễ thương hơn, còn tên Kim Loan là con chim vàng nhưng rồi cũng sẽ bay đi, và tôi cũng vậy, ba sợ một ngày nào đó tôi sẽ bay đi. Vậy là tôi trở thành Mộng Tuyền cho đến ngày hôm nay.

img
Poster phim Gánh hàng hoa (sản xuất trước năm 1975) với nghệ sĩ Mộng Tuyền đảm nhận vai nữ chính.

Ba của chị có một vai trò đặc biệt trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của chị?

- Đúng vậy. Ba là người dẫn dắt, chăm lo cho tôi vô nghề, người dạy dỗ về đạo đức hàng ngày cũng như đạo đức nghề nghiệp, luôn luôn theo sát giữ gìn cho con gái. Tôi đi đâu cũng có ba bên cạnh, đi tập tuồng, đi thu đĩa, đi hát đều có ba theo sát chăm lo, nhắc nhở tránh cho tôi mọi cám dỗ, sa ngã. Ba cũng có thể xem như là người tư vấn chuyên môn cho tôi.

Năm tôi mới 15, 16 tuổi thì nhận được vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử ở đoàn Thanh Minh. Tôi còn quá trẻ và chẳng biết phải diễn như thế nào để ra vũ nữ cả. Ba đã dẫn tôi đến những quán bar để xem cách ăn nói, đi đứng, hút thuốc, uống rượu… của các cô vũ nữ, gái điếm.

Tôi đã quan sát và “học” tất cả để bước lên sân khấu mỗi bước đi, mỗi cái phẩy tay, cách nốc rượu… đều đúng kiểu của vũ nữ thứ thiệt. Nhờ vai diễn này mà tôi đã được trao giải Thanh Tâm năm 1963.

Thật không ngờ nghệ sĩ cải lương thế hệ của chị lại chuyên nghiệp đến nhường ấy…

- Nghệ sĩ là một nghề thì tất nhiên phải có sự nghiên cứu, đào luyện và nhất là phải sống trọn vẹn vai trò của mình. Khi ca một bản nhạc thì phải biết bản nhạc đó như thế nào, thẩm thấu bản nhạc đó ra sao, khi diễn một vở tuồng, vở kịch thì phải nắm vững kịch bản, biết vở đó ra làm sao, tính cách, số phận nhân vật như thế nào.

Ngày trước, tôi còn phải đứng trước kiếng để tập từng nét mặt, từng cách ra bộ sao cho đẹp nhất, biểu cảm nhất. Khi bước lên sân khấu thì người nghệ sĩ phải quên mình đi và phải là chính nhân vật và tất nhiên không sợ xấu.

Chỉ khi làm chủ được vai diễn, lôi kéo khán giả theo mình, làm khán giả quên mình là ai, chỉ còn thấy nhân vật, thì người nghệ sĩ mới thực sự thành công mà dĩ nhiên để đạt được trình độ diễn xuất như vậy là không hề đơn giản nếu thiếu sự tìm tòi, dấn thân vì nghề.

Chị nghĩ sự nghiệp lẫy lừng của mình dựa vào sắc đẹp hay tài năng nhiều hơn?

- Tôi cho là cả hai. Trên sân khấu cải lương người nghệ sĩ tốt nhất phải thanh sắc lưỡng toàn. Cho dù có đẹp cách mấy mà không ca được cũng như không. Nhưng nếu nghệ sĩ ca hay mà thiếu sắc vóc thì cũng khó làm khán giả “cảm” được. Ở lĩnh vực điện ảnh, nếu chỉ thấy tôi đẹp mà không hợp vai, không có tố chất tài tử thì chắc cũng không ai dám mời mình đóng phim đâu.

Nếu được chọn lại, chị sẽ chọn…

- Nếu có kiếp sau, tôi vẫn xin được làm nghệ sĩ cải lương.

img
Nghệ sĩ Mộng Tuyền lúc trẻ

Nghệ sĩ Mộng Tuyền sinh năm 1947 tại tỉnh Phong Dinh, nay là TP.Cần Thơ. Chị vào nghề năm 13 tuổi trên sân khấu đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao. Lúc này, cô đào chánh nhỏ tuổi phải độn ngực, mang giày cao gót để ra dáng thiếu nữ cho các vai diễn.

Năm 14 tuổi, được mời về đoàn Thanh Minh cùng diễn với đàn chị Thanh Nga và đã thế thành công các vai của Thanh Nga khi “Nữ hoàng sân khấu” rời đoàn và qua đời. Nghệ sĩ Mộng Tuyền sở hữu một bảng thành tích rất đáng nể:

Năm 1963: đoạt giải Thanh Tâm - giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập - cho vai vũ nữ Thu Lan vở Phu tử tòng tử.

Năm 1972: được khán giả, báo giới phong “Ảnh hậu” cho nữ diễn viên điện ảnh xuất sắc với các vai diễn trong các phim Gánh hàng hoa, Còn gì cho nhau

1980: huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cho vai Vân trong vở cải lương Bóng tối và ánh sáng.

1985: giải Bông sen Vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai bác sĩ Mai Trâm, phim Tình yêu của em.

Hiện nghệ sĩ Mộng Tuyền có quốc tịch Pháp nhưng đang sinh sống cùng chồng tại Australia.

Theo TTVH