Kinh doanh kiểu… chỉ sinh viên mới có
“Cái khó, ló cái khôn” là câu nói mà Hoàng (sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Lao động – Xã hội) chia sẻ khi nói về dịch vụ giặt đồ thuê của mình.
Hoàng được gia đình mua cho cái máy giặt để tiện dụng cho việc giặt giũ. Có chiếc máy giặt đúng là tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng sự leo thang của tiền điện, tiền nước ở các xóm trọ làm Hoàng méo mặt.
Chiếc máy giặt thuộc loại lớn, nên chỉ để giặt quần áo bản thân, Hoàng cũng thấy lãng phí. Thế là ý tưởng cho thuê máy giặt bất ngờ lóe lên: “Bạn bè của mình nhiều người rất ngại giặt đồ trong khi đó máy giặt của mình lại ít khi dùng nên mình tự hỏi tại sao không cho thuê máy giặt để đôi bên cùng có lợi”.
Nghĩ là làm, các tờ rơi quảng cáo cho dịch vụ “thuê máy giặt” được đưa đi phát tại các xóm trọ sinh viên với dòng chữ: “Các bạn chỉ việc đưa quần áo đến (tầm 7kg) và chờ trong khoảng 25 - 30 phút là quần áo sẽ thơm tho ngay. Mức phí cho mỗi lần giặt đồ chỉ là 25.000 đồng. Liên hệ với Hoàng theo số điện thoại…”.
Với mức giá khá phù hợp với các bạn sinh viên “lười” giặt giũ nên dịch vụ của Hoàng bỗng nhiên hút khách: “Trung bình, mỗi sáng mình nhận giặt cho 4 người, tối thì khoảng 6 - 10 người. Khách đến giặt đông nhất là tầm 7h30 - 10h tối”.
Đình Tiến (trường ĐHDL Phương Đông) – khách hàng tới giặt quần áo - chia sẻ: “Những hôm trời lạnh, mình ghét nhất là giặt quần áo, vừa cóng tay mà quần áo mãi chẳng khô. Thấy được tờ rơi quảng cáo cho thuê máy giặt quần áo nên mình mang quần áo của mình và bạn cùng phòng dồn trong 5 ngày. Giặt thế này vừa rẻ hơn các quán giặt là mà lại được lấy ngay”.
Nhờ có những vị khách như vậy mà chiếc máy giặt “kiếm cơm” của Hoàng luôn hoạt động với công suất cao nhất. Số tiền Hoàng kiếm được không chỉ giúp Hoàng thanh toán được hóa đơn tiền điện, tiền nước hằng tháng mà còn giúp cậu có thêm một khoản thu nhập.
Hùng (sinh viên năm thứ 3, trường ĐH Giao thông Vận tải) cũng sở hữu một dịch vụ kinh doanh “độc”: Cho thuê sim điện thoại. Với lợi thế là dùng điện thoại thuê bao trả sau của mạng di động Viettel gọi dưới 10 phút không mất tiền, chàng trai này bỗng nảy ra ý định kinh doanh.
Ý tưởng này chỉ vụt đến khi một lần Hùng trêu bạn: “Mỗi lần tớ cho mượn điện thoại là tính phí 3.000 đồng nhé!”. Điều Hùng không ngờ đến là người bạn kia “thanh toán” lệ phí thuê điện thoại ngay tại chỗ. Từ đó, Hùng thường xuyên cho bạn bè thuê điện thoại để “buôn chuyện” chỉ với mức 3.000 đồng/cuộc gọi, rẻ hơn nhiều so với cước phí viễn thông thông thường.
“Đầu tiên, tớ còn ngại, nhưng dần dần mọi người mượn gọi nhiều nên tớ cũng không ngại nữa. Dù sao cũng thuận lợi cả đôi bên mà. Mỗi ngày cũng phải kiếm được 70.000 – 80.000 đồng, có khi hơn” - Hoàng chia sẻ.
Cũng cùng có những ý tưởng hay ho như Hoàng và Hùng là Đặng Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Vốn sở hữu nhiều váy vóc kiểu dáng đẹp, nhà lại ở cạnh trường nên Trang quyết định cho thuê váy.
Trang cho biết: “Mình biết các bạn nữ đều rất thích ăn diện, đặc biệt là trong những dịp đặc biệt như dạ hội, sinh nhật… Mình lại học ngành báo chí nên quen rất nhiều bạn hay đi phỏng vấn, lên truyền hình hoặc làm MC. Yêu cầu công việc khiến trang phục của các bạn ấy cũng phải thường xuyên thay đổi nhưng không phải bạn nào cũng có đủ điều kiện để mua sắm thường xuyên. Thế là mình quyết định cho thuê những bộ váy của mình”.
Là tín đồ của shopping nên Trang mua rất nhiều quần áo, váy hợp mốt. Do vậy nên dịch vụ mới mở chưa lâu song đã có khá đông bạn bè quen biết tới thử đồ. Giá thuê mỗi bộ váy không giống nhau vì còn phải tùy thuộc vào kiểu dáng và số tiền của từng chiếc. Mức thông thường là vài ba chục nghìn đồng một chiếc. Mỗi lần khách thuê, Trang cũng lấy tiền đặt cọc để bảo đảm là chiếc váy được nguyên vẹn khi trở về tủ đồ.
Lý giải cho việc ngày nào cũng có khách đến xem đồ, Trang nói: “Những vị khách đầu tiên của mình là người quen. Cứ người này giới thiệu người kia nên khách tìm đến ngày một nhiều. Nhà mình cũng có chỗ thử và gương ngắm đầy đủ lại riêng tư nên nhiều bạn rất thích. Nhiều bạn sinh viên trường khác được bạn bè giới thiệu cũng qua chỗ mình để thuê váy đi dự đám cưới hoặc dự tiệc”.
Những “tai nạn” hy hữu
Các dịch vụ kinh doanh lạ này đa phần diễn ra thuận lợi, đem lại thu nhập khá. Tuy nhiên, do tính chất độc đáo và mới mẻ của những mặt hàng được mang ra cho thuê nên Hoàng, Hùng và Trang nhiều khi cũng phải đối mặt với những tình huống “dở khóc dở cười”.
Hoàng chia sẻ: “Trước khi giặt, mình đã nói rõ với khách là phải phân loại riêng quần áo bị phai màu nhưng nhiều khách hàng quên nên sau khi giặt một số quần áo bị ra màu”. Cũng có nhiều hôm do việc học tập bận rộn hoặc có việc phải về quê nên Hoàng không nhận giặt thuê, ấy vậy mà điện thoại của cậu luôn trong tình trạng nóng ran bởi các cuộc gọi của khách hàng. Cài đặt chế độ im lặng cũng không xong, nhiều khi để tránh bị làm phiền, Hoàng buộc phải tắt máy.
Còn chiếc điện thoại của Hùng sau một ngày cho thuê thì luôn trong trạng thái pin yếu. Nhiều khi tối về tới phòng trọ, định đi sạc pin mà vẫn còn có người thuê. Thậm chí có khách còn chấp nhận thuê trong tình trạng máy đang sạc pin. Hiện giờ, tiền kinh doanh đã giúp Hùng sắm được thêm một chiếc điện thoại mới để tiện việc liên lạc và cho mọi người thuê.
“Khó xử nhất là có những bạn gọi nhầm sang mạng di động khác. Mình cũng chủ quan nên ít khi kiểm tra, bạn nào báo bị nhầm thì mình còn biết mà tính tiền chứ có bạn chẳng nói năng gì thì coi như hôm ấy tiền cho thuê máy cũng đi “tong”. Cũng may là những lần như thế không nhiều”, Hùng tâm sự.
Đặng Trang thì cũng không ít lần bị ấm ức vì mất “toi” chiếc váy mà bản thân rất thích: “Những chiếc váy bị rách thì khách hàng cũng đền bù nhưng cũng tiếc lắm vì mua lại chúng rất khó. Đặc biệt, có bạn nữ đến thuê váy rồi chịu mất tiền đặt cọc để “chiếm” luôn chiếc váy của mình. Nghĩ đến giờ vẫn tiếc”.
Không thể tránh khỏi những rủi ro nhưng những hình thức dịch vụ lạ lẫm và thông minh này thực sự hữu ích với nhiều sinh viên trong thời buổi “bão giá”.