Dân Việt

Thợ hầm than gặp khó

Hoàng Hạnh 24/06/2014 11:06 GMT+7
Đã có một thời những người dân nghèo ở xã Tam Giang (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vui mừng vì bỏ được chữ “lâm tặc” khi tham gia vào Hợp tác xã Hầm than 2.9 (HTX). Thế nhưng, niềm vui ấy vỡ tan vì HTX dần bị “chết yểu”.

Ngày 2.9.2004, HTX Chế biến than 2.9 ra đời. Hàng chục hộ dân nghèo có gần nửa đời người bị đeo gông là “lâm tặc” được kêu gọi vào HTX. “Bà con ai cũng phấn khởi khi nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn hợp pháp. Vậy mà…”- ông Chung Văn Tịch (56 tuổi), xã viên của HTX nhớ lại.

Theo lời ông Tịch, lúc mới thành lập HTX, khi đó còn Lâm ngư trường 184 - “cha đẻ” của HTX Chế biến than 2.9 nên các xã viên tiếp cận được với nguồn củi chính phẩm rất dễ. Nhưng từ khi Lâm ngư trường 184 không còn, thay vào đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển là lúc các xã viên không thể mua được củi chính phẩm vì không có tiền. Điều này đồng nghĩa với việc HTX Chế biến than 2.9 dần bị “chết yểu”.

Gia đình ông Tịch có 2 lò than nhỏ đang “sống dở chết dở”. Ông thở dài: “Một năm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển đấu thầu khai thác củi 1 lần, nhưng dân nghèo thì lấy đâu ra tiền mua củi chính phẩm (1 ster củi khoảng 900.000 đồng), chỉ mua được củi tận thu thôi”.

Chung nỗi buồn như ông Tịch, chị Tiêu Diệu Linh nói như khóc: “Tiền của đổ vào 2 lò than vài chục triệu đồng, nhưng lại không có củi”. Theo chị nói, củi chính phẩm làm than có giá từ 8.000–9.000 đồng/kg, còn củi tận thu thì than chỉ bán 4.000 đồng/kg mà không có người mua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm HTX Chế biến than 2.9 khẳng định: “Không có được củi chính phẩm để làm than đang là khó khăn chung của xã viên. Vì không có nghề nào khác nên hiện tại xã viên chỉ lấy công làm lời. Đời sống của anh em gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan có thẩm quyền nhờ hỗ trợ vốn cho các xã viên, cộng với nguồn vốn của anh em xã viên hùn lại (hơn 1 tỷ đồng) để mua rừng quốc doanh khai thác song vẫn chưa được giải quyết. Một số người đã quay lại khai thác rừng bất hợp pháp”.

Rừng ngập mặn ở địa phương này vừa được công nhận là Khu Ramsar thế giới. Nếu không giải quyết được vấn đề củi sản xuất thì liệu những người dân nghèo vì miếng cơm, manh áo họ có còn bảo vệ được rừng ở Đất Mũi hay không?