Đó là Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Đăk Tô (Kon Tum) và Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm Công Nghiệp Long Đại (Quảng Bình) được nhận Chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững toàn phần FSC/FM/CoC của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế (FSC).
Từ năm 2007, hai đơn vị có vốn sở hữu Nhà nước này được Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức, do Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ), chọn làm thí điểm thực hiện quản lý rừng tự nhiên bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC đòi hỏi phải đáp ứng được tính bền vững về mặt kinh tế song song với khía cạnh bảo vệ môi trường và ích lợi xã hội. Chứng chỉ FSC được xem như một công cụ chứng nhận rừng được quản lý bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, thương mại gỗ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu. Chính vì thế, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, 30% diện tích rừng sản xuất đạt được chứng chỉ rừng.
Việt Nam hiện có hơn 13 triệu ha rừng với độ che phủ khoảng 90%, trong đó có khoảng 10,4 triệu ha là diện tích rừng tự nhiên và gần 3 triệu ha là rừng trồng. Nếu chúng ta áp dụng những cách tiếp cận mới được thế giới công nhận là phương thức quản lý rừng bền vững và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nguồn tài nguyên quý giá này sẽ mang lại giá trị gia tăng không chỉ cho nền kinh tế quốc gia mà còn đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.