Dân Việt

7,1 triệu đồng và nỗi niềm thầy giáo bị truy tố

Thanh Nhã - Linh Đan 24/06/2014 07:47 GMT+7
Suốt 3 năm, tiền thù lao cho giáo viên được thu chi có đầy đủ chứng từ, thế rồi không hiểu từ đâu có đơn tố cáo, cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc. Và, thầy giáo Đặng Quốc Khanh bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...

Hôm nay (24.6), TAND thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận đưa vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" ra xét xử sơ thẩm. Bị cáo của vụ án này là ông Đặng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thị xã Lagi. Ông Khanh cũng là một thầy giáo lâu năm của trung tâm này.

Theo cáo trạng, ông Khanh bị truy tố vì hành vi lập chứng từ khống, rút tiền từ ngân sách nhà nước để chi vào những khoản không đúng với quy định. Cụ thể, trong 3 năm, thông qua việc trả thù lao cho giáo viên ở các lớp học, ông Khanh đã chi sai số tiền 7.140.000 đồng.

Trước đó, ông Khanh đã bị kỷ luật và khai trừ Đảng.

"Tôi đã giải trình khắp nơi nhưng không ai nghe. Tôi trình bày đầy đủ chứng cứ minh oan cho mình nhưng không ai quan tâm. Giờ thì tôi phải ra tòa với đủ thứ ê chề...", ông Khanh nói.

img
Thầy giáo Đặng Quốc Khanh với chồng hồ sơ nhiều năm đi khiếu nại.

Theo ông Khanh, Trung tâm dạy nghề Lagi là đơn vị sự nghiệp có thu, do UBND thị xã Lagi quản lý. Trong nhiều năm, trung tâm mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động ở địa phương, trong đó có 4 lớp học dẫn đến lấn cấn và là mấu chốt của số tiền 7.140.000 đồng, đưa thầy giáo Khanh vào vòng lao lý.

Cụ thể, lớp điện cơ - điện dân dụng khóa 1, năm 2009, trung tâm phân công 2 giáo viên giảng dạy là ông Khanh và giáo viên Nguyễn Xuân Thành. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu giảng dạy, ông Thành không đáp ứng được chuyên môn, học viên phàn nàn. Sau đó, 9 học viên chê học, bỏ lớp dẫn tới từ 25 người xuống còn 16 người.

Do lớp học chỉ còn lại 16 học viên, trong khi quy định từ 18 học viên trở xuống thì chỉ cần 1 giáo viên giảng dạy, vì vậy ông Khanh đứng ra phụ trách lớp.

Theo quyết định 1034/QĐ-UBND, ngày 14.4.2009 của UBND tỉnh Bình Thuận thì tiền chi cho giáo viên là 30 ngàn đồng/giờ thực hành và 35 ngàn đồng/giờ lý thuyết.

Như vậy, với 180 tiết lý thuyết và 420 giờ thực hành, số tiền phải trả cho 2 người là gần 20 triệu đồng, nhưng ông Khanh đã giảm thù lao so với quy định xuống còn hơn 10 triệu đồng và trả ông Thành 7.140.000 đồng, dù ông Thành không tham gia giảng dạy. Số tiền này thực chất là thù lao của ông Khanh nhường lại cho ông Thành. Và, ông Thành có ký vào phiếu thu chi.

“Tôi trả tiền công cho anh Thành vì không muốn dẫn tới tranh cãi ở cơ quan. Tôi đã chịu thiệt và tiết kiệm cho ngân sách lại còn bị tố cáo, lòng người thiệt là không lường trước được”, ông Khanh nói.

Tại cơ quan điều tra, ông Thành khai mình chỉ nhận 2 triệu đồng, hơn 5 triệu đồng còn lại ông dành cho trung tâm.

Ông Khanh cho biết, tại lớp lắp ráp và cài đặt máy vi tính, khóa 1, năm 2009, trung tâm bố trí cho 3 giảng viên đảm trách. Một giáo viên do bận bịu công việc khác nên nhờ đồng nghiệp dạy thay. Do có tên trong bảng phân công, nên nữ giáo viên này vẫn ký nhận tiền rồi chuyển trả lại cho đồng nghiệp dạy thay 1,5 triệu đồng. Việc nhận tiền này cũng có đầy đủ giấy tờ. Tại lớp may, một giáo viên cũng tham gia được một tuần nên trung tâm trả thù lao 500 ngàn đồng và cũng có đầy đủ chứng từ.

“Vậy là số tiền 5.140.000 đồng của ông Thành để lại trung tâm là không có căn cứ, cộng với 1,5 triệu đồng thù lao dạy thế của nữ giáo viên và 500 ngàn cho cô giáo dạy may một tuần là vừa đủ 7.140.000 đồng. Tôi đã không tư lợi một đồng nào, không làm thất thoát của Nhà nước một đồng nào, nhưng vẫn bị khởi tố, truy tố rồi xét xử. Đó là một nỗi đau bởi bản thân mình không vi phạm. Tôi vẫn tin là pháp luật công minh sẽ đem lại công bằng cho tôi, phục hồi Đảng cho tôi, để tôi tiếp tục công tác giảng dạy”, thầy giáo Khanh nói.