Dân Việt

Kẻ tàn sát tại Na Uy đã chuẩn bị từ hai năm trước

25/07/2011 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Theo BBC, ngày 24.7, tên Anders Behring Breivik, 32 tuổi - nghi can vụ tấn công kép tại Na Uy làm ít nhất 92 người chết hôm 22.7, đã nhận tội. Breivik đã lập kế hoạch tấn công từ mùa thu năm 2009.

Thảm sát kinh hoàng

Phát biểu trên Kênh truyền hình NRK của Na Uy, Geir Lippestad - luật sư bào chữa của Breivik nói rằng: "Behring Breivik đã nhận tội. Hắn đã giải thích rằng đó là hành động tàn nhẫn nhưng có điều gì đó trong đầu hắn mách bảo rằng đó là việc làm cần thiết".

Theo nội dung một văn bản dài 1.500 trang do Breivik viết và một đoạn băng dài 12 phút được tên này đưa lên mạng Internet trước khi xảy ra các vụ tấn công, Breivik đã lập kế hoạch tấn công từ mùa thu năm 2009.

img
Hơn 2 giờ sau vụ xả súng, cảnh sát Na Uy mới xuất hiện và bắt giữ thủ phạm.

Theo tài liệu trên, Breivik đã lập các cơ sở khai khoáng và nông nghiệp để tạo vỏ bọc trong trường hợp y bị bắt vì tội mua bán trái phép chất nổ hoặc thành phần sản xuất chất nổ là phân bón.

Ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công, một công ty cung cấp vật tư nông nghiệp tại Na Uy cho biết nghi phạm đã từng mua 6 tấn phân bón hóa học (có thể sử dụng phân bón hóa học chế tạo bom) của công ty này trong tháng Năm vừa qua. Tài liệu trên cũng đề cập tên một số nhà lãnh đạo trên thế giới có thể trở thành mục tiêu tấn công của Breivik.

Breivik bị cáo buộc là thủ phạm gây ra hai vụ thảm sát kinh hoàng ngày 22.7 vừa qua, gồm vụ đánh bom xe ở trung tâm thủ đô Oslo làm 7 người thiệt mạng và xả súng bắn chết ít nhất 85 thanh thiếu niên đang tham gia một trại hè do Công đảng của Thủ tướng Jens Stoltenberg tổ chức trên đảo Utoeya. Breivik đã bị bắt ngay sau vụ xả súng nói trên.

Cảnh sát Na Uy cho biết, Breivik đã xuất hiện ở khu vực trung tâm thủ đô Oslo trước khi vụ đánh bom gần Văn phòng Thủ tướng Na Uy xảy ra. Kênh TV2 dẫn lời một quan chức an ninh nói rằng, chỉ vài giờ sau vụ đánh bom, Breivik đã xuất hiện trên đảo Utoeya trong bộ đồng phục cảnh sát.

img
Breivik bị cáo buộc là thủ phạm gây ra hai vụ thảm sát kinh hoàng ngày 22.7

Hiện dư luận Na Uy vẫn chưa hết bàng hoàng về thảm họa kép nói trên, song nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao nhà chức trách lại chủ quan khi để tình trạng an ninh quá lỏng lẻo trên đảo Utoeya, dẫn đến vụ thảm sát đẫm máu.

Theo báo chí Na Uy, hơn 2 giờ sau vụ xả súng, lực lượng cảnh sát mới xuất hiện để bắt giữ Breivik và cấp cứu các nạn nhân. Thảm họa kép ở Na Uy được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất trên thế giới.

Tội ác không thể bào chữa

Hôm qua, dư luận quốc tế tiếp tục lên án các vụ tấn công đẫm máu ngày 23.7 ở Na Uy, đồng thời bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với chính phủ và người dân nước này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc thảm sát tàn ác nói trên, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động khủng bố nào đều là tội ác và không thể bào chữa cho dù diễn ra với động cơ gì, ở đâu, khi nào và bằng cách thức nào.

Ngày 23.7, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ một nam thanh niên tại khách sạn nơi Thủ tướng Jens Stoltenberg đang thăm hỏi những người sống sót sau vụ xả súng trên đảo Utoeya. Khi bị bắt, trong túi của thanh niên này có một con dao. Đài Truyền hình NRK dẫn lời nghi phạm bị bắt giữ cho biết, anh ta có dao trong túi vì "cảm thấy không an toàn".

Tổng thống Mỹ Barack Obama coi các cuộc tấn công ở Na Uy là hành động điên rồ và gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg. Nhà Trắng khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Na Uy giải quyết thảm họa kinh hoàng trên.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gửi điện tới Thủ tướng Stoltenberg bày tỏ sự chia buồn sâu sắc. Ông lên án vụ việc trên là hành động khủng bố, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Na Uy trong thời điểm khó khăn.

Trong thư ngỏ gửi Quốc vương Na Uy Harald V, Giáo hoàng Pope Benedict XVI bày tỏ sự đau buồn trước tin về các vụ tấn công ở Na Uy. Giáo hoàng cũng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời kêu gọi người dân Na Uy đoàn kết vượt qua thời khắc đau thương.