Tại Ngày hội Giáo dục phát triển 2014 (tổ chức từ ngày 22 đến 24-4), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM gửi cho một số trường đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Đây là đề án do sở và EMG (đơn vị ủy quyền của Cambridge tại Việt Nam) xây dựng.
Vội vàng thay thế
Theo đó, các chuyên gia đã rà soát nội dung chương trình giảng dạy các môn của 2 hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam và Anh để kết hợp những kiến thức trùng lặp, bổ sung kiến thức chuyên sâu và lược bỏ những kiến thức không phù hợp… để thiết kế thành đề án này. Sở GD-ĐT TP cũng cho biết sau hơn 3 năm triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge tại TP HCM, học sinh nhiều trường đã quen với việc học song song và đây là yếu tố rất thuận lợi để triển khai chương trình mới này.
Chương trình sẽ được giảng dạy theo khung chương trình các môn toán, khoa học và tiếng Anh của Anh, xen kẽ với chương trình Việt Nam. Giáo viên giảng dạy ban đầu sẽ gồm giáo viên nước ngoài và Việt Nam. Học sinh sẽ được đánh giá theo cả 2 chuẩn của Việt Nam và Anh. Chi phí học tập cũng gần giống như học phí của chương trình tiếng Anh Cambridge trước đó.
Học sinh Trường Minh Đạo (quận 5, TP HCM) trong giờ học tiếng Anh theo chương trình Cambridge Ảnh TẤN THẠNH
Trong 2 ngày 14 và 15-6 vừa qua, Sở GD-ĐT và EMG đã tổ chức triển khai chính thức chương trình này ở Bà Rịa - Vũng Tàu và mời tất cả các trưởng phòng giáo dục quận, huyện tại TP HCM đến dự.
“Cơm không lành” từ lâu
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này đặt ra rất nhiều dấu hỏi mà phụ huynh, học sinh cần được giải đáp thấu đáo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do chính ít được biết đến là Trung tâm Khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) đã chính thức thông báo ngưng hợp tác với EMG.
Ông Ben Schmidt, Giám đốc CIE khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “EMG được CIE ủy quyền cung cấp các khóa học tiếng Anh Cambridge trong các trường học tại Việt Nam cho đến ngày 27-7. Từ thời điểm này trở đi, thỏa thuận của chúng tôi sẽ chấm dứt. Chúng tôi đã thông báo cho EMG, các cơ quan chính phủ cũng như các trường học có dạy chương trình này”.
Theo bà Tracy Dignan, Giám đốc Truyền thông marketing của CIE khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một cuộc kiểm tra các chương trình tiếng Anh Cambridge của CIE do EMG triển khai tại TP HCM vào tháng 9-2013, CIE và EMG đã có sự khác biệt quan điểm về tương lai của chương trình Cambridge bao gồm Cambridge tiểu học, Cambridge THCS và Cambridge IGCSE. “Chúng tôi đã không thể đạt được thỏa thuận với EMG vì những yêu cầu của mình không được đáp ứng. Vì vậy, chúng tôi miễn cưỡng quyết định thông báo cho EMG trong tháng 1” - bà Tracy nói.
Điều đáng nói là mặc dù được thông báo từ tháng 1 nhưng đến trước ngày 18-6, phụ huynh và học sinh học chương trình tiếng Anh Cambridge vẫn không hề biết. Thay vào đó, 2 đơn vị này lại “âm thầm” thay thế bằng một chương trình dạy tiếng Anh mới mà không hề khảo sát phụ huynh và học sinh có đồng ý hay không.
Coi chừng vết xe đổ
Một chuyên gia về tiếng Anh cho rằng chương trình Cambridge khi triển khai tại TP HCM đã bộc lộ một số nhược điểm. Trước hết, đây là chương trình theo chuẩn của giáo dục Anh kết hợp nội dung các môn học (như toán, xã hội...) bằng tiếng Anh và đây là một chương trình đào tạo riêng biệt. Nhưng khi áp dụng tại TP HCM lại dạy song song chương trình này với chương trình của Bộ GD-ĐT.
Nghĩa là học sinh vừa học toán và các môn khác của chương trình Cambridge vừa học toán và các môn khác của chương trình Việt Nam; thậm chí phải học cả môn tiếng Anh của chương trình Việt Nam. Do đó, dẫn đến việc kiến thức bị lặp đi lặp lại và quá tải.
Bên cạnh đó, chương trình Cambridge là của một trường ĐH, đánh giá năng lực của học sinh thông qua thước đo của Cambridge và kết quả học tập cũng chỉ do Cambridge công nhận. Trong khi đó, thế giới có rất nhiều thước đo khác để đánh giá năng lực học sinh. Do đó, khả năng lan tỏa của chương trình này bị hạn chế.
Ngoài ra, chương trình Cambridge rất coi trọng cơ sở vật chất, giảng viên… Khi áp dụng đòi hỏi các trường phải cải thiện những yếu tố này để đáp ứng, từ đó dẫn đến việc phân biệt giữa chương trình này và chương trình khác.
Chuyên gia này cũng cho rằng nhiều người vẫn lầm tưởng chương trình Cambridge tại Việt Nam là do Cambridge triển khai. Tuy nhiên, thực tế do EMG triển khai theo chuẩn của Cambridge giống như một kiểu nhượng quyền thương mại.
Với những tồn tại chưa khắc phục được của chương trình Cambridge, Sở GD-ĐT TP HCM lại vội vã áp dụng một chương trình mới trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, giảng viên và cũng do EMG thực hiện đã khiến rất nhiều phụ huynh, học sinh và ngay cả các trường, giáo viên tiếng Anh cũng hết sức băn khoăn liệu đây có phải là hình thức “bình mới, rượu cũ”. Liệu đến một lúc nào đó chương trình này lại rơi vào “vết xe đổ”?
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận 4, cho biết trước đây, trường không dạy Cambridge thì nay chắc chắn cũng khó triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp mới mà lý do chính là học phí quá cao. Một hiệu trưởng khác của một trường ở quận 10 bày tỏ: “Chưa biết chương trình thế nào thì chúng tôi không thể triển khai. Không thể cứ nhắm mắt làm mà không biết hiệu quả vì như thế sẽ ăn nói thế nào với phụ huynh”.
Không để học sinh thiệt thòi
Theo bà Tracy Dignan, CIE quyết định chấm dứt thỏa thuận với EMG tại Việt Nam có nghĩa là CIE sẽ không còn cung cấp các chương trình Cambridge thông qua EMG sau ngày 27-7, khi hợp đồng kết thúc.
“Tuy nhiên, ưu tiên đầu tiên của chúng tôi là bảo đảm học sinh không bị thiệt thòi do quyết định này. CIE vẫn sẵn sàng chấp nhận các cuộc thi cho những học sinh đã ghi danh vào các chương trình này thông qua EMG. CIE sẽ không chấp nhận kiểm tra bất kỳ học sinh tham gia các chương trình EMG sau thời gian đó” - bà Tracy nói.