Tại buổi họp báo chiều 24.6 công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII bế mạc cùng ngày, TS Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá “khối lượng lập pháp của kỳ họp này là khổng lồ”. Cụ thể, sau hơn một tháng làm việc Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Cuối năm sẽ sửa Nghị quyết 35
Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào việc sửa đổi Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN), bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN). Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Tuy nhiên, xét thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ T.Ư đến địa phương của Nhà nước ta, tới quyền giám sát và đánh giá cán bộ của Quốc hội và HĐND, do vậy cần có thêm thời gian thảo luận kỹ, thấu đáo bảo đảm chất lượng Nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trước khi quyết định, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau. Đồng thời, Quốc hội đã quyết định tiếp tục tổ chức LPTN (theo quy định của Nghị quyết 35) tại kỳ họp cuối năm 2014.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương ngày 18.6 cho báo chí biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sửa Nghị quyết 35 theo hướng chỉ đưa ra 2 mức tín nhiệm (Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp) trong phiếu tín nhiệm và cho biết sẽ trình Quốc hội vào cuối kỳ họp thứ 7, nhưng sau đó Quốc hội lại quyết định lùi việc thông qua Nghị quyết 35 sang kỳ họp thứ 8”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích rằng: Bà Nương trả lời báo giới như vậy, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ, tại đoàn thì lại đề nghị giữ nguyên 3 mức như cũ và điều này cũng thể hiện rất rõ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu thăm dò của từng ĐBQH.
Thảo luận sâu sắc về tình hình Biển Đông
Trong phần hỏi – đáp giữa lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và báo giới, nhiều câu hỏi tập trung vào thái độ của Quốc hội đối với tình hình Biển Đông. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Quốc hội đã ra thông cáo số 2 tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc.
Các phóng viên đặt câu hỏi vì sao Quốc hội không ra nghị quyết riêng về Biển Đông mà chỉ ra thông cáo và coi đó như tuyên bố của Quốc hội dù về mức độ pháp lý, nghị quyết của Quốc hội cao hơn tuyên bố hay thông cáo, ông Phúc giải thích: Có nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về Biển Đông và Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước của các vị đại biểu. Tuy nhiên, tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, những giải pháp của Chính phủ để đối phó với tình hình. Sau đó Quốc hội đã thảo luận rất kỹ tại các đoàn về vấn đề này. Sau phiên thảo luận, Quốc hội đã ra thông cáo tuyên bố rõ quan điểm, lập trường của Quốc hội.
Về việc tới đây Quốc hội có tính ra nghị quyết về Biển Đông hay một hình thức nào khác, ông Phúc cho rằng: “Cần phải hết sức bình tĩnh trước hành động sai trái của Trung Quốc, phải cân nhắc mức độ giải quyết trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, đảm bảo luật pháp quốc tế”.