Chặng đường hình thành
Với 424/436 (85,14%) phiếu thuận, chiều 30.5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ 13, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Một trong những nội dung đáng chú ý của nghị quyết này là một số luật liên quan đến quyền công dân, quyền con người đã được đưa vào chương trình nghị sự chính thức, đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội so với dự kiến trước đó, trong đó có Luật Biểu tình. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã tiếp thu bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10 để triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trước đó, tháng 9.2011, khi trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII để UBTV Quốc hội xem xét, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị xem xét nhiều dự án và Luật Biểu tình là 1 trong số 19 dự án luật được đề xuất. Trước những ý kiến còn băn khoăn của UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giải thích: “Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình. Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi. Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này”.
Và tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào cuối năm đó, ngày 25.12.2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: “Thực tế cuộc sống cho thấy có nhiều cuộc người dân tụ tập đông, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng lại chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này, vì thế đã gây khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho việc quản lý của chính quyền. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội… Vì vậy, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật”.
Tuy nhiên, từ đó cho tới kỳ họp thứ 7, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 (11.2013) - trong đó một lần nữa khẳng định “biểu tình là một trong những quyền cơ bản của con người” - Luật Biểu tình mới được chính thức đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015.
Thời điểm đã chín muồi
Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 25.6 sau khi kết thúc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Hoàng Hữu Phước (TP.HCM), người trước đó đã từng phản đối việc xây dựng Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 5 (6.2013) cũng đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao của mình.
ĐB Phước cho rằng: Từ trước tới giờ, chúng ta có Nghị định 38/2005 để điều chỉnh các hoạt động về tụ tập đông người, nhưng từ khi có nghị định đó thì gần như chưa có ai biết đến, vì thế nghị định này gần như chưa đi vào cuộc sống nên chưa có sự đúc kết thực tiễn và rút kinh nghiệm. Trước đây, do những nhu cầu của thời cuộc, tình thế, việc tập trung xây dựng Luật Biểu tình là chưa cần thiết.
Điều này đã được chứng minh cụ thể rằng, trong nhiều kỳ, nhiều khóa, Quốc hội đều tập trung xây dựng nền kinh tế nước nhà cho nên bây giờ chúng ta mới có được sự phát triển về kinh tế, có điều kiện chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao nhân quyền, xóa đói giảm nghèo… Còn bây giờ, một khi đã thông qua Hiến pháp 2013, tất cả những gì liên quan tới quyền con người đã được hiến định thì đều phải được sự điều chỉnh của luật.
“Theo tôi, việc đôn thời gian xây dựng luật lên sớm hơn vài tháng, thay vì vào cuối năm 2015 thì nay là kỳ họp đầu năm 2015 cũng là một sự nhanh nhạy trước thời cuộc của Quốc hội. Chúng ta có thời gian nghiên cứu thì phải làm sao cho luật mới mẻ, phù hợp thực tiễn của Việt Nam” - ĐB Hoàng Hữu Phước đánh giá.
“Cách đây hơn một năm ông cũng nói rằng thời điểm đó chưa thích hợp cho việc xây dựng Luật Biểu tình. Vậy vì sao hiện tại ông cho rằng thời điểm đã chín muồi?”. Trả lời câu hỏi này, ĐB Hoàng Hữu Phước nói: Điều kiện chín muồi ở chỗ từ kỳ họp thứ 1 của khóa XIII đến giờ, sau khi dư luận xôn xao về luật này, rõ ràng người dân đã có điều kiện để nhìn rõ hơn, nghiên cứu quan sát những biến động từ các nước trong khu vực và thế giới.
Sắp tới, tôi nghĩ với những kinh nghiệm và hiểu biết từ các nước, chúng ta có thể yên tâm để cho ra một đạo luật phù hợp với những điều chỉnh thích hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam hơn. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Công an đứng ra chủ trì xây dựng Luật Biểu tình.
Nhưng không phải vì điều này mà chúng ta quan ngại, lo lắng về việc dự luật được xây dựng sẽ thiếu sự khách quan hay hạn chế bớt quyền công dân bởi dù sao, một dự án luật sẽ phải đảm bảo yếu tố xây dựng công khai, phải được đưa ra lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và quan trọng là thảo luận, góp ý từ các ĐBQH nữa.