Dân Việt

Một đời thăng trầm cùng biển

Hùng Phiên 26/06/2014 08:43 GMT+7
Trong tay có 4 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất trên 3.000CV, nhà ông Nguyễn Văn Ái (Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) đang là gia đình ngư dân có “máu mặt” ở miền Trung. Một đời thăng trầm cùng Biển Đông, ở tuổi 64, lão ngư vẫn tràn trề khát vọng tiếp tục gây dựng đội tàu hùng hậu cho con cháu bám biển làm giàu.

Cả nhà làm nghề biển

Nguyễn Minh Quang (28 tuổi, con trai thứ 6 trong 8 người con của vợ chồng ông Ái) đang lái ô tô đưa mẹ (bà Nguyễn Thị Lằm) đi khám bệnh, tiện đường đón tôi từ ngã 3 thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) về làng biển Mỹ An. 15 tuổi, Quang đã theo nghề biển, hiện đang phụ trách hậu cần 4 con tàu của gia đình, kiêm phụ trách nhóm dịch vụ nhạc sống Vinh Quang.

Cả 6 con trai của vợ chồng ông Ái đều đã có bằng thuyền trưởng, máy trưởng và 4 người đang trực tiếp lèo lái 4 tàu cá của gia đình. Đó là các thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi, tàu BĐ-94033), Nguyễn Văn Minh (38 tuổi, tàu BĐ-94032), Nguyễn Minh Vương (36 tuổi, tàu BĐ-94439), Nguyễn Văn Tèo (34 tuổi, tàu BĐ-94529). Còn Nguyễn Văn Tý (32 tuổi) đang phụ trách máy tàu BĐ-94032 (1.250CV) là tàu cá lớn nhất miền Trung hiện nay. Gia đình đang đăng ký đóng mới một tàu vỏ thép; khi hoàn thành sẽ giao cho anh Tý làm thuyền trưởng. Hai cô con gái đều lấy chồng làm nghề biển.

Trên xe, bà Lằm rủ rỉ: “Vợ chồng tui về với nhau năm 1972. Giờ con cháu nhà cửa đuề huề, nắm trong tay đội tàu bạc tỷ, vậy mà cuộc đời vợ chồng tui đã từng khổ không ai bằng. Chồng quanh quẩn ven bờ với chiếc ghe 12CV, vợ chạy chợ bán cá, thiếu hụt tứ bề với bầy con “sòn sòn” nheo nhóc”.

Bà Lằm nhắc lại cái đận bị bệnh hiểm nghèo lúc sinh đứa thứ 3. Ông Ái phải cắn răng bán chiếc ghe “bổn mạng”, rồi gỡ từng tấm tôn lợp nhà để chạy thuốc thang cho vợ và góp gạo nuôi con. Ở Mỹ An vẫn còn truyền tụng câu chuyện ông Ái cùng 6 trai tráng trong họ tộc cáng võng 3 ngày đêm, men theo đường sắt, để đưa người vợ trọng bệnh đến Cam Ranh (Khánh Hòa) cậy gia đình cha mẹ vợ chăm sóc.

Lúc ấy, ông Ái như cùng đường, một nách lo bầy con. Vậy mà may sao, sức khỏe bà Lằm chuyển biến. Rồi được bà con dòng họ động viên, cho mượn tiền mua ghe mới. Cứ thế gia đình làm ăn tấn tới, ông từng bước mua đổi ghe từ 12CV sang 30CV, rồi lên 190CV, 370CV. Đến lúc này, vợ chồng ông Ái và các con đang sở hữu 4 con tàu chuyên “trị” xa bờ, gồm 2 chiếc 450CV, một chiếc 1.000CV và một chiếc 1.250CV. Riêng tiền đóng bảo hiểm cho 4 tàu này đã gần 200 triệu đồng/năm.

4 tàu nhà ông Ái đang là thành viên Tổ đoàn kết gồm 6 tàu; trong đó, 1 chiếc chuyên làm nhiệm vụ hậu cần và chuyên chở cá vào bờ để bán. Đầu ra được ký kết rõ ràng, cá tươi luôn được giá, tàu đánh bắt thuận tiện bám biển có khi 2 - 3 tháng mới vào bờ. “Từ lưới vây, lưới rút đến giàn câu cá ngừ đại dương, mỗi tàu đều trang bị đủ. Thế nên đối tượng đánh bắt “đa hệ”, tàu chẳng lúc nào về ít cá. Mỗi chuyến ra khơi là tính toán đủ đường, như đi tập kích đồn giặc. Chẳng lãi nhiều thì lãi ít, có lúc nói thiệt là tiền vô như nước; anh em đi bạn kiếm mỗi người trăm triệu đồng/chuyến là chuyện thường. Nhiều khi anh em ham luồng cá mà quên chuyện về nhà, vợ con phải lấy áo hơ lửa để… mau gặp chồng!” - anh Vương (con thứ 4 của ông Ái) cho hay.

Tiếp tục mở mang đội tàu

Hiện gia đình ông Ái đang mong được nhà nước tạo điều kiện cho vay khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi đánh bắt xa bờ để tiếp tục phát triển lớn đội tàu. Số vốn này sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, ngư cụ trên 4 con tàu và giúp giữ lại con tàu BĐ-94032 rồi chuyển giao cho anh Vương làm chủ.

“Chiếc tàu 1.250CV này đang có một số người ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi dạm mua. Tuy nhiên, gia đình không muốn bán “niềm tự hào” này. Tàu đang có cổ phần của nhiều anh em trong nhà. Tuổi tôi giờ phải ngồi bờ làm “tư lệnh”, bây giờ “tung hoành, tác chiến” là thời của các con. Tài sản phải sở hữu rõ ràng để từng đứa nâng cao trách nhiệm đầu tư làm ăn, góp phần làm giàu cho gia đình và chăm lo đời sống bạn tàu” - ông Ái bày tỏ.

Rồi ông thẳng thắn: “Nhà nước đã có chủ trương, vốn vay ưu đãi phát triển đánh bắt phải đến tận tay ngư dân. Vì sự lớn mạnh của đội tàu gia tộc với hàng trăm miệng ăn đang “ngóng theo”, chúng tôi đang cần vay 4 tỷ đồng vốn ưu đãi. Với năng lực đánh bắt của đội tàu gia đình, chỉ vài năm là có thể trả xong vốn vay. Mong các cấp quan tâm xét duyệt”.

Thương, ghét rạch ròi

Nhắc đến chuyện “nguyên tắc” làm ăn lớn nghề biển, ông Ái nói gọn: “Đạo của nghề biển là tương thân tương ái, trong bờ giúp nhau 1, ngoài biển phải giúp 10”. Anh Vương góp chuyện, không nhớ bao nhiêu lần, tàu gia đình đã vất vả trực tiếp cứu nạn trên biển.

Ví như năm 2009, tàu nhà đã cứu 28 ngư dân trên một tàu câu mực Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm vỡ đôi trên vùng biển phía nam Trường Sa. Khi bị vỡ chìm, tàu chỉ có 3 người, trong lúc 25 người đang dùng thuyền thúng đi câu mực tản mát giữa khơi. Nghe điện đàm khẩn cứu, anh Vương cho tàu đến vớt từng người, rồi bỏ ngang chuyến biển, đưa cả đoàn bị nạn vào bờ. Gần 50 người cùng đồ đạc khảm cả khoang tàu, bếp liên tục đỏ lửa, mấy chiếc nồi nối nhau nấu cơm suốt mấy ngày.

Về đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), anh Vương còn mua 28 bộ đồ, 28 đôi dép và đưa 5 triệu đồng để anh em thuê xe về Quảng Ngãi. Chủ tàu bị nạn vô cùng cảm kích và gởi quà hậu tạ nhưng gia đình ông Ái nhất quyết “có chi đâu”.

“Cứu người và giữ yên ngư trường là cái đạo của nghề biển. Cha tôi đã dạy như thế!” - anh Vương nói.

"Mấy tháng nay, Trung Quốc hành động ngang ngược trên Biển Đông, nghề đánh bắt xa bờ hết sức khó khăn. Ngư dân chúng tôi vô cùng phẫn nộ, càng phải liên kết chặt chẽ nhau, phối hợp với cơ quan chức năng để vững chèo bám biển”.
Ông Nguyễn Văn Ái
Có lần, một số tàu địa phương rủ nhau “lén” sang một vùng biển nước khác để câu vì gặp luồng cá. Thế nhưng ông Ái lắc đầu: “Thôi, biển ai nấy làm. Nếu muốn qua “nhà” người ta thì phải có phép tắc hẳn hoi”. Thế nhưng ông cũng bức xúc điện báo cơ quan chức năng, khi thấy tàu của một số nước đã bắn đuổi tàu cá của ta ngay trên lãnh hải Việt Nam.

Để nghề biển Việt tiếp tục lớn mạnh, ông Ái cũng mong sao các thủ tục liên quan đến tàu cá phải được đơn giản, minh bạch, bởi “không thể nói hỗ trợ nghề biển một cách chung chung được!”. Ví như năm 2010, khi đóng chiếc tàu BĐ-94032, gia đình ông đã phải chạy vạy hàng mấy tháng trời, tiêu tốn “ngoài lề” hàng trăm triệu đồng, để lo thủ tục đăng kiểm. Bởi tàu lớn, thủ tục phải ra tận Hà Nội để làm, với đủ loại giấy tờ gửi đi gửi lại, tiền bay tiền ở cho cán bộ thẩm tra... Rồi “khi tàu bị tai nạn, muốn nhận được đồng bảo hiểm, cũng phải… vã mồ hôi cục!”.

“Nghề biển đâu chỉ khổ ngoài khơi…” - ông Ái trầm ngâm.