Nhìn đội tuyển Việt Nam thi đấu nhạt nhòa ở 2 trận đầu của AFF Cup 2012, có người hâm mộ đã thở dài và than rằng: “Giá mà vòng bảng đá ở Việt Nam, giá mà có tiếng trống cổ vũ của ông Thuyết “trống”, thì đội tuyển biết đâu được tiếp thêm sức mạnh và chiến thắng”.
VĐV Nguyễn Văn Thuyết (thứ 3 từ trái sang) cùng đội điền kinh Việt Nam tại Thế vận hội Moscow năm 1980. |
Từ tài năng marathon…
Hình ảnh người đàn ông cần mẫn thúc trống vang dậy theo những đợt lên bóng của đoàn quân áo vàng Nam Định nổi tiếng những năm đầu thế kỷ 21 có lẽ chỉ còn trong trí nhớ của các CĐV nhiệt thành, bởi 2 năm nay ông Thuyết "trống"… gác dùi ở ẩn. Nhưng tình yêu của ông với bóng đá thành Nam vẫn bền bỉ cháy như tinh thần thể thao sẵn có trong ông và chỉ chực bùng nổ dù chợt nghe thấy tiếng trống trẻ thơ loạn nhịp ngoài đường.
Chiều đầu đông, nhân dịp AFF Cup 2012, tôi gọi điện tới nhà hẹn gặp ông cùng trò chuyện về bóng đá. Tới nơi, ông mở cửa, rồi tươi cười gọi vợ: “Thằng cháu này, té ra nhà báo Hà Nội gốc…. Chùa Cuối bà ạ”.
Câu chuyện của hai chú cháu quay trở lại gần 30 năm trước về một thời đá bóng sân Chùa Cuối cỏ cao lút đầu người sau khung thành; về một thời tan tầm, già trẻ lại tập trung dưới loa công cộng trước chợ Rồng dỏng tai nghe bình luận viên Hoài Sơn tường thuật từng đường bóng của các cầu thủ Công nghiệp Hà Nam Ninh hay Dệt Nam Định đang thi đấu sân khách qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam… Và những câu chuyện, ký ức riêng tư của ông như không đợi, ào ạt ùa về.
Thời trai trẻ, theo tiếng gọi thanh niên xây dựng XHCN tại miền Bắc, người con trai đất Lý Nhân (Hà Nam Ninh) lên đường đi khai phá mỏ apatit Lào Cai. Giữa cái hừng hực của tuổi trẻ đất nước, ông Thuyết tham gia vào những hoạt động thể thao, văn nghệ. Rồi như một định mệnh, ông đặt những bước chân đầu tiên vào đường chạy marathon, nơi đã đưa ông đến vinh quang, những vùng trời mới với những tấm huy chương lấp lánh và không ít nước mắt ngập tràn.
Tham gia thi đấu marathon phong trào cho tới năm 1975, chàng thanh niên tuổi 20 Nguyễn Văn Thuyết bắt đầu bước chân lên con đường thể thao đỉnh cao khi lần đầu ông tham dự cuộc chạy tầm quốc gia tại vườn Bách Thảo (Hà Nội), rồi cuộc thi “Nối liền Bắc - Nam” một năm sau đó.
Từ năm 1981 -1991 là khoảng thời gian huy hoàng của Nguyễn Văn Thuyết. Đây cũng là quãng thời gian mà dân chạy đường trường của Việt Nam phải lắc đầu, lè lưỡi kính phục khi nhắc đến tên ông. Bảng thành tích gần như dựng ông thành tượng đài: 10 năm liền vô địch giải Việt dã Báo Tiền Phong và cũng ngần ấy năm là kỷ lục gia cự ly 10.000m nam toàn quốc, đoạt 39 HCV tại các giải thi đấu điền kinh.
… đến “chạy” marathon bằng… tay
Định mệnh đưa ông Thuyết tới đường chạy marathon. Duyên phận gắn ông với tiếng trống cổ động các cầu thủ Nam Định và sau này là đội tuyển Việt Nam. Năm 1997, khi CLB Nam Định thăng hạng và bóng đá Việt Nam chớm bước vào ngưỡng cửa bán chuyên nghiệp, không khí bóng đá trong nước rất sôi động.
Là người trong ngành thể thao, lại suốt ngày lăn lộn với đội điền kinh trên sân Chùa Cuối (khi xây dựng lại phục vụ SEA Games 23 đổi tên thành sân Thiên Trường) nên ông Thuyết nhớ mặt, thuộc tên cầu thủ như… anh em ruột, với những tên tuổi Dũng “Toát”, Sỹ “Toát” (anh em danh thủ Nguyễn Văn Dũng- Nguyễn Văn Sỹ), Cường “Luyện”, Trung “Nghêu”, Thành “mít”, Tuấn “lai”.., cũng như lứa kế cận sau này như Nam “Mẫn” (Đặng Phương Nam), Minh “đỏ”, Hiếu “Huy”, Lợi “Phát”. Hơn thế, Nguyễn Trung Kiên-tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá thành Nam, còn là con rể ông Thuyết.
Khi không khí bóng đá Nam Định sôi sục trở lại, ông Thuyết đã tham gia ủng hộ đội bóng quê hương bằng cách tậu một chiếc trống theo đội cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh em cầu thủ.
“Cháu nhớ hồi đó trống của chú “khủng” không? Trống cao 80cm, đường kính 65cm, nặng 30kg đấy. Ông Giám đốc Sở TDTT hỗ trợ một nửa kinh phí, anh em trong CLB giúp phần còn lại, chú đặt một nghệ nhân làm trống ngay Nam Định mình, tiếng vừa hào hùng, vừa vang động. Chỉ cần chú mang trống lên sân Hàng Đẫy, anh em cầu thủ các đội đã kháo nhau: “Bỏ mẹ, bố Thuyết lên thế này thì bọn mình đá loạn nhịp mất”, ông Thuyết nhớ lại.
Kể đến đây, ông đứng dậy, khua tay tưởng như đang vung dùi trên khán đài B sân Thiên Trường rực sắc vàng của màu áo Nam Định với những sóng người, những tiếng hô đồng thanh của hàng vạn CĐV như sấm rền thủa nào.
Trò chuyện với ông thì được biết, đánh trống cổ vũ cho bóng đá hết sức vất vả, bởi chẳng mấy "cao thủ" nào trên thế giới có thể vung dùi suốt 90, thậm chí 120 phút liên tục trong một trận bóng đá.
Vỗ vai tôi, ông cười khoái trá: “Chú phải dùng cách hít thở của môn marathon mới trụ vững trong bằng ấy mùa đấy. Cổ vũ một trận cũng như mình chạy marathon cự ly 21km, phải giữ sức, thở theo phương pháp thì tiếng trống mới lúc nhanh lúc chậm, lúc trầm lúc bổng như khi bứt phá về đích ấy chứ. Chỉ có điều là chạy marathon bằng… tay. Thế nên anh em CĐV mới gọi đùa chú là “Nam Thành đệ nhất song thủ”.
Mà quả thật, tiếng trống của ông cứ ma mị thế nào đó, thậm chí nó còn giống như một phương pháp chỉ đạo từ xa của HLV, khiến các cầu thủ trên sân thi đấu rất đúng chiến thuật. Ông kể: Có lần Trung Kiên tâm sự với chú: “Cả đội bây giờ thuộc lòng tiếng trống của bố. Khi bố thúc trống, anh em đá xung hơn. Bố cứ như người cầm chịch trận đấu, giúp bọn con mạnh mẽ hơn hẳn”.
Kỳ 2: Nước mắt từ tâm nguyện
Hồng Châu