Dân Việt

Thuyết "trống": Nước mắt từ tâm nguyện

30/11/2012 10:25 GMT+7
Dân Việt - Những con người như ông Thuyết "trống" (Nguyễn Văn Thuyết) luôn tiềm ẩn một sự bền bỉ, dẻo dai, quyết liệt, kiên cường, nghiêm khắc với chính mình nhất là trong thi đấu marathon nhưng cũng rất dễ mủi lòng khi những hoài niệm bất chợt quay về.

Nước mắt từ đường chạy quá khứ…

Cầm tập ảnh kỷ niệm cả một thời gian dài thi đấu đỉnh cao, ông Thuyết hồ hởi: “Ảnh chụp kỷ niệm tại Moscow năm 1980 đấy. Đoàn điền kinh của chú chụp trước khách sạn ngay Quảng trường Đỏ, tự hào lắm, các bạn Liên xô đối đãi với mình đúng là tình anh em khăng khít”- một thời xa xăm thoáng hiện về trong ánh mắt vụt sáng của ông.

img
Ông Thuyết “trống” và đôi dùi bất ly thân.

Năm 1980, sau khi đoạt giải Nhì tại giải Việt dã báo Tiền Phong, ông được gọi vào đội tuyển điền kinh quốc gia, thi đấu tại Thế vận hội Moscow (Liên Xô) với vai trò dự bị cho VĐV Nguyễn Quyền. “Được ra đấu trường quốc tế lần đầu, nhất lại là thi đấu ở Thế vận hội, tức là Olympic bây giờ, tự hào lắm cháu ạ. Đoàn Việt Nam 20 người bay sang nước bạn, khí thế hừng hực với mong muốn cống hiến hết mình cho tổ quốc.

Sang tới nơi, bạn đón tiếp ta nồng hậu, ăn nghỉ tại khách sạn sang trọng ngay Quảng trường Đỏ. Nhưng có lẽ, sung sướng và tự hào nhất trong đời VĐV của chú là được Tổng Bí thư Lê Duẩn tới động viên toàn đoàn tại Làng Thế vận hội. Bác Duẩn khi đó cùng phái đoàn Việt Nam sang Liên Xô để đón chào một sự kiện lịch sử: Anh hùng Phạm Tuân chuẩn bị bay vào vũ trụ. Đúng dịp Thế vận hội, Bác đã tới thăm và động viên toàn đoàn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc. Tự hào, tự hào lắm!”.

Rồi đột nhiên, giọng ông bỗng trầm hẳn xuống, hai hàng nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má sạm nắng. Ông khóc, giọng như nghẹn lại: “Đến năm 1986, Liên Xô tổ chức giải Thể thao Thiện chí, mời trên 100 quốc gia tham dự. Chú cùng với HLV Tiến Bình-2 người thôi nhé, được cử sang Liên Xô tham dự.

Sang đến nơi, hai chú cháu đang đi trên đường phố Moscow thì nghe Đài phát thanh quốc tế Liên Xô báo tin Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời. Chú chỉ còn biết sà xuống ghế bên đường, ngồi khóc nấc từng cơn. Mà cháu ạ, hôm sau khai mạc, đoàn Việt Nam mình chỉ có 2 người, chú là người cầm cờ đấy, chú Tiến Bình cũng đã mất rồi”. Nói đến đây, nước mắt ông giàn giụa. Tôi hiểu, những con người như ông, bền bỉ, kiên cường trong thi đấu nhưng cũng dễ mủi lòng khi hoài niệm trào dâng .

Vội gạt nước mắt, ông sụt sùi: Hôm sau, 17 giờ chú vào thi đấu, thể lực không tốt do sang Liên Xô gấp, cộng với thời tiết thay đổi và lệch múi giờ nhưng vẫn quyết tâm. Chạy qua hơn 30km, người chú khá mệt, tinh thần thi đấu tụt dốc kinh khủng nhưng chân cứ chạy. Một VĐV của đội bạn chạy bên cạnh khuyên cả 2 nên dừng lại, ngồi ô tô để về đích.

Chú gạt ngay: “Nếu không chạy được nữa thì dù đi bộ, tôi cũng phải về đích. Tôi không bao giờ bỏ cuộc, vì bỏ cuộc là nỗi nhục quốc gia”. 20 giờ 30 phút tối đó, chú cán đích ở vị trí 51 trong hơn 100 VĐV tham gia. Trong suốt thời kỳ chạy marathon, tới lúc này, chú chưa bao giờ bỏ cuộc!”.

Năm 1988, ông lại vinh dự có mặt trong đoàn thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội ở Seoul (Hàn Quốc).

…đọng lại nơi mặt trống, đôi dùi

Lặng im chờ ông nén dòng cảm xúc. Vợ ông cũng nói rằng, ông hay xúc động khi nhắc đến kỷ niệm một thời. Rồi chợt nhớ ra, tôi hỏi: “Thế chiếc trống đâu rồi chú?”.

“Chú cho rồi, cho đứa cháu ở quê”- tôi nhận câu trả lời sau vài phút đầu ông gục xuống, bờ vai ông rung lên. Bất chợt, ông ngước nhìn tôi, mắt ầng ậc nước, nghẹn ngào: “Chú chỉ giữ lại vật này”. Rồi ông đứng dậy, tới nóc tủ lấy ra một hộp màu đỏ dài, cẩn thận giở từng lớp lụa vàng óng và đưa cho tôi xem đôi dùi. Tôi trân trọng đỡ lấy đôi dùi gỗ đã đanh lại theo thời tiết, nhẵn bóng bởi thời gian.

Trước mắt tôi là vật đã nâng cho biết bao đôi chân cầu thủ thành Nam trở thành danh thủ,  đã tạo nên từng lớp sóng người trên “chảo lửa” Thiên Trường với hàng vạn con tim cùng nhịp đập. Chúng đang nằm hiền lành đón nhận những giọt nước lã chã rơi từ đôi mắt chủ nhân, như đôi song kiếm nằm yên khi kiếm khách ẩn mình. Khi cho đi chiếc trống, ông cũng không ngăn được giòng lệ tuôn rơi.

Để thay đổi không khí, tôi quay ra hỏi chuyện ông về lối đánh “chỉ đạo cầu thủ trên sân” là có thật hay đồn đoán. Ông lại như mới ngày nào, say sưa nói về nghệ thuật đánh trống cổ vũ. Theo ông, đánh trống cổ vũ phải có kiểu, có hồn. Mà có lẽ kiểu cổ vũ của ông độc nhất vô nhị tại Việt Nam bởi ông “sáng chế” ra nó dựa trên phép luyện thở trong môn marathon. “Này nhé, khi quân mình đang có bóng ở phần sân nhà, nên thả từng tiếng để anh em ổn định, quan sát, qua vạch giữa sân rồi thì thúc dần, thúc dần.

Khi hàng tiền vệ dâng cao, tiền đạo tăng tốc dứt điểm thì phải thúc liên hồi như trống ngũ liên đánh hộ đê, cứu hỏa thời xưa. Mấy bạn trẻ bây giờ cổ vũ cứ đánh trống đều đều như múa sư tử, cầu thủ chỉ biết tâng bóng hoặc chuyền qua lại cho nhau, đá đấm thế nào được”.

Góc tâm tình của Thuyết ‘trống”

Sau ngày về lập nghiệp tại Nam Định, Nguyễn Văn Thuyết trở thành HLV việt dã của điền kinh thành Nam. Ông cũng gặt hái nhiều thành công cho đội tuyển điền kinh Nam Định, đặc biệt là 5 cô con gái của ông đã mang về cho điền kinh Việt Nam cũng như Nam Định số huy chương các màu, bằng khen, giấy khen các loại mà nếu đóng gói, theo cách nói hài hước của con cháu cụ Tú Xương thì có lẽ nên tính theo đơn vị… vài quang gánh. Dân thành Nam chơi thể thao đều gọi họ là “Ngũ long công chúa” nhà bố Thuyết.

Hỏi chuyện gia đình, ông gọi bà ra ngồi rồi vui vẻ kể: “Cô chú đều nghỉ hưu cả rồi, có 5 con, 10 cháu là đúng chỉ tiêu nhà nước. Hai ông bà quần áo ướt suốt ngày vì các cháu nó… tè. Đến như chú bây giờ, mỗi ngày vẫn chạy 5km để duy trì sức khỏe, mà chú đang bị gai đôi cột sống.

Thế nhưng lắm hôm xem đội tuyển Việt Nam mình đá trên ti vi, nhớ quá lại lấy cái trống Trung thu của cháu đánh cổ động qua ti vi suốt 90 phút. Cô chú cũng khuyên Trung Kiên nên quay về chung tay vực dậy bóng đá quê hương. Em nó vừa lấy bằng HLV trong Khánh Hòa rồi đấy. Nói thế chứ, người Nam Định thiếu bóng đá như thiếu một món ăn sở trường hàng ngày. Cả một quá khứ hào hùng như thế, sao nỡ bỏ rơi được".

Nhắc tới AFF Cup 2012, ông Thuyết bùi ngùi: “Đội tuyển mình thi đấu nỗ lực hết sức rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Giá mà tôi được đến sân đánh trống cổ vũ, góp thêm một phần sức lực nhỉ. Nhưng tiếc cũng chẳng để làm gì nữa khi chúng ta cần nhìn thẳng vào thất bại này để sửa sai”.

Lúc chia tay, ông Thuyết vẫn tiếc: “Giá mà đợt AFF Cup này mình xin được tài trợ thì hay quá. Lại được hết mình với đội tuyển, với anh em cầu thủ. Nhưng trận nào cũng thế, khi cổ vũ ở nhà, chú đều lấy…trống cơm của cháu cổ động cho đỡ nhớ “nghề”.