Chưa hết, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Italia, ông Giancarlo Abete, cũng tuyên bố rời khỏi chức vụ. Cả hai ông đều tự nhận trách nhiệm về mình trước thất bại của đội tuyển quốc gia đã từng 4 lần vô địch thế giới.
Họ đã làm thế theo lương tâm trách nhiệm của người nhận công việc được giao và ý thức rõ bổn phận của cá nhân là phải hoàn thành tốt công việc. Việc không thành, ở đây là đội tuyển bị loại khỏi cuộc chơi sớm, họ xin từ chức như một lẽ thường phải thế. Đó là cái gọi "văn hoá từ chức" mà gần đây người Việt ta hay nhắc đến với mong mỏi những ai đảm nhận các công việc chung, càng ở tầm quốc gia, bất kể lĩnh vực nào, càng nên có. Ông HLV Pirandelli trong phát biểu tuyên bố từ chức của mình có nói cái ý là ông không thể tiêu tốn tiền thuế của dân một cách vô ích, vô hiệu quả, mà cứ dửng dưng, phủi bỏ trách nhiệm.
Trông người mà ngẫm ta. Chỉ nhìn trong bóng đá thôi đủ thấy ý thức trách nhiệm của chúng ta thế nào. Đội tuyển mỗi lần thi đấu giải đều được đặt chỉ tiêu, được trao giải, nhưng khi thất bại thì đùn đẩy trách nhiệm, nói chuyện từ chức càng xa vời.
Bóng đá, thêm một lần nữa, là chuyện xã hội. Mỗi kỳ bóng đá thế giới không chỉ đem lại niềm vui sân cỏ, còn gợi nhiều suy nghĩ cuộc sống.