Dân Việt

Nhạc sĩ Thụy Kha: Bình luận World Cup bằng… thơ

Huy Hoàng 27/06/2014 12:30 GMT+7
Với nhạc sĩ Thụy Kha, mỗi trận đấu tại World Cup 2014 như một tác phẩm nghệ thuật. Ông lặng lẽ một mình xem, một mình cảm nhận và diễn tả cảm xúc, tình yêu với trái bóng trong qua những câu thơ…

Gặp phóng viên NTNN tại nơi làm việc, nhạc sĩ đưa ra ngay một tập thơ viết tay gồm khoảng mấy chục bài. Từ những bài đầu tiên đêm khai mạc có tựa đề là “Mất” đến những bài thơ “Sư tử đen Nga”, “Gà trống Gô-loa lại gáy”… Mỗi bài thơ có ý nghĩa như một bài bình luận sắc sảo mang theo đầy tâm huyết, nỗi niềm của người nhạc sĩ có tình yêu bóng đá bất tận.

Nhạc sĩ Thụy Kha cho hay, ông làm thơ về bóng đá từ năm 1982 nhưng phải đến World Cup 1994 mới sáng tác đều đặn sau mỗi trận đấu. Ở mùa World Cup năm nay, dù giờ xem toàn nửa đêm đến rạng sáng hôm sau, nhưng ông có cách sắp xếp thời gian hợp lý để vừa đảm bảo sức khỏe, giải quyết công việc hàng ngày ổn thỏa, vừa thỏa mãn niềm đam mê. “Ăn cơm tối xong khoảng 20 giờ tôi đi nghỉ đến 23 giờ dậy xem trận đầu tiên. Sau đó ngủ tiếp 1 tiếng và chờ xem các trận tiếp theo. Ngủ lúc 20 giờ có phải dễ đâu, vậy nên chiều nào tôi với một số người bạn trong nghề đều rủ nhau làm vài ly để “ru mình” vào giấc ngủ” - nhạc sĩ vui vẻ nói.

Nói về tình yêu và “cái duyên” đến với trái bóng, nhạc sĩ Thụy Kha bồi hồi nhớ lại: “Tôi từng “ăn tập” bóng đá và suýt chút nữa đã trở thành cầu thủ của Thể Công, cùng thời với những Thế Anh, Cao Cường… Cùng với âm nhạc, bóng đá là một phần không thể thiếu đối với tôi”.

Nhận định về sức mạnh của các đội bóng tại World Cup 2014, nhạc sĩ Thụy Kha bày tỏ: “Theo tôi, World Cup năm nay không bằng những World Cup trước đây về cả trình độ chuyên môn lẫn mức độ cống hiến vị nghệ thuật. Các đội bóng quá mải mê tính toán, thực dụng, hướng tới một kết quả tốt, thay vì nên giúp người hâm mộ được thưởng thức bóng đá. Ngay như Brazil năm nay cũng không thể so với Brazil của những Romario, Bebeto, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho… vốn chơi bóng như những người nghệ sĩ. Họ cầm bóng, đi bóng, chuyền bóng, phối hợp với nhau hài hòa, đầy nhịp điệu như một bài thơ, một ca khúc làm say đắm lòng người”.

Những cảm nhận ấy đã được nhạc sĩ Thụy Kha đã viết trong bài thơ “Mất”: “Trong thắng trận nhưng Brazil đã mất/Một chất gì nghệ sĩ của ngày xưa/Những toan tính giật giành tỷ số/Làm phai mờ dần những ngẫu hứng Samba... Brazil ơi! Đừng bao giờ đánh mất/Những đường bóng bay nghệ thuật đến không ngờ”.

Nhạc sĩ Thụy Kha kể: “Euro 2004, vợ tôi bị xuất huyết não, tôi vào bệnh viện trông vợ nhưng vẫn không thể bỏ được đam mê bóng đá. Sau mỗi trận, tôi đã phải chui vào toa lét để làm thơ bởi nếu bật đèn sẽ làm vợ thức dậy”.

Về Argentina của Messi, nhạc sĩ viết: “Argentina vào cuộc sao chuệch choạc/Chẳng có chút nào của nhà vô địch ngày xưa/… Nhưng đột khởi Messi bằng tài năng xuất sắc/Quả đi bóng đỉnh cao và cú đá cứa lòng chân…”.

Theo nhạc sĩ Thụy Kha: “World Cup 2014, tôi dành nhiều tình cảm cho Brazil và Hà Lan – 2 đội bóng mạnh và quan trọng hơn họ vẫn giữa được chút ít “hồn nhiên” trong lối chơi. Nhưng để dự đoán đội vô địch thì thật quá khó bởi bóng đá luôn chứa đựng nhiều bí ẩn với những kết cục bất ngờ. Đó cũng chính là yếu tố không thể thiếu giúp môn thể thao vua quyến rũ người xem”.