Dân Việt

Thử giải mã “hiện tượng” Lệ Rơi

Hải Phong 27/06/2014 14:32 GMT+7
Từ "hiện tượng" anh nông dân Nguyễn Đức Hậu trồng ổi ở Hải Dương - tức ca sỹ Lệ Rơi - bất ngờ nổi tiếng trên mạng, lại làm tôi nhớ tới một trường hợp tương tự cách đây đúng 10 năm. Mà anh này nổi tiếng tầm cỡ thế giới chứ không chỉ ở riêng Việt Nam như Lệ Rơi: Đó là William Hung, người Hong Kong.
Cũng giống như Lệ Rơi, William Hung có gương mặt ngờ nghệch nhưng nụ cười lại rất dễ mến. Và sau này khi nổi tiếng với bản cover She Bangs của nam ca sỹ điển trai gốc Puerto Rico Ricky Martin, anh được mệnh danh là “Ricky Martin của Hong Kong” và có album nhạc leo lên top Billboard.

imgWilliam Hung khi đi thi American Idol

Cũng giống như Lệ Rơi, Hung trở thành ca sỹ nổi tiếng tất nhiên không phải vì có tài năng ca hát gì cả, thậm chí cũng hát dở tệ. Nhưng khi nghe anh hát, người ta cảm thấy ngay một niềm đam mê vô tận trong tâm hồn con người này.

Anh hát say sưa như thể lời ca xuất phát từ trái tim chứ không phải thanh quản. Cảm thụ âm nhạc của cả hai đều rất tồi, không có lấy một chút ý niệm nào về các nốt nhạc, về giai điệu, phách, nhịp... Nhưng có hề gì, họ cứ hát, thế thôi...

Ngoài ra, họ rất dũng cảm vì không phải ai hát dở tệ như họ cũng dám lên truyền hình hay internet để "khoe giọng"…

img

"Ca sỹ" Lệ Rơi

Nhưng có hề gì, miễn là tiếng hát của họ đem lại cho khán giả niềm vui và sự sảng khoái, sau những giây phút ban đầu ngỡ ngàng vì chất "thảm họa" trong những sản phẩm mà họ tạo nên.

Không phải họ không biết mình hát tệ, nhưng họ vẫn cất giọng. Chỉ với lý do, như tâm sự rất thật của Lệ Rơi, là: "Mình biết là mình hát rất dở, không hay chút nào cả, còn nói ngọng vì là dân Hải Dương. Nhưng khiến bạn bè của mình vui vẻ thì mình cũng cảm thấy rất thích. Hôm trước có 7 bạn gọi điện cho mình và nói rằng họ đang giận người yêu và nhờ mình hát bài nào đó để tặng cho một nửa của họ. Giúp họ hàn gắn được tình cảm, mình thấy thêm ý nghĩa và động lực để làm clip hơn".

Nghe vậy cũng giống như William Hung khi bị Simon Cowell, vị giám khảo nổi tiếng chua ngoa của American Idol phũ phàng nhận xét: “Cậu không biết hát, còn nhảy cũng chẳng ra gì”, Hung vẫn vui vẻ đáp lời "Tôi chỉ cố gắng hết sức vì tôi tự tin vào bản thân" và khi bất ngờ nổi tiếng, anh cũng thừa nhận “Hơi buồn cười vì nổi tiếng theo kiểu này”.

Họ hiểu được rằng giọng hát của họ, dù dở tệ, dù là thảm họa trong mắt số đông, vẫn là những phương thuốc chữa lành vết thương lòng cho nhiều người khác, vẫn có một giá trị nào đó đối với một số người. Vậy thì có lý gì mà họ lại dừng làm điều ý nghĩa như vậy lại chứ?

Ai thích vui, thích giải trí sau những căng thẳng mệt mỏi gia đình, những nghiêm túc chỉn chu công sở, những thị phi ồn ào showbiz thì hãy thử nghe họ hát để giải khuây, để cười trong chốc lát cho tan cơn muộn phiền. Còn ai không ưa thì thôi, đừng xem nữa.

Cũng đừng nên nghiêm trọng hóa vấn đề với những cụm từ kiểu “xúc phạm tới nghệ thuật” hay “hạ thấp giá trị chân – thiện – mĩ” cao siêu nào đó. Vì ít ra, họ đã không sản sinh ra thứ sản phẩm âm nhạc hạ cấp với đầy rẫy lời lẽ dung tục, bẩn thỉu như kiểu “Phiếu bé ngoan”…

Đó là chưa kể, có lẽ công chúng giờ cũng đã phần nào thấy bão hòa, nhàm chán với đủ loại âm nhạc và ca sỹ chuyên nghiệp. Cái họ cần bây giờ là một thứ âm nhạc "khác thường" hay đúng hơn là một cách tiếp cận âm nhạc khác thường từ những người cũng khác thường, dù chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh".

Thế nên, hãy xem việc Lệ Rơi nổi tiếng như cồn trên cộng đồng mạng cũng là điều hết sức bình thường và cũng đừng trầm trọng hóa nó lên.

Chỉ đơn giản là Wiliam Hung, Lệ Rơi… là những người thuộc dạng “famous for being famous” – nổi tiếng chỉ vì nổi tiếng – trong một thế giới ảo luôn biến chuyển khôn lường. Biết đâu, chỉ vài tuần nữa, lại sẽ chẳng có một cơn sốt khác "thổi bay" Lệ Rơi ra khỏi tâm trí cư dân mạng.