- Quy mô gia đình có xu hướng thu nhỏ lại. Đây là xu hướng gia đình của cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Ngày trước, trong xã hội nông nghiệp, cả gia đình đều làm nghề nông, ai cũng như ai, cùng thu nhập, cùng nếp sinh hoạt nên sống chung sẽ đơn giản. Còn thời đại ngày nay, mỗi người một nghề, thu nhập khác nhau, dẫn đến nhu cầu sống cũng khác nhau, sở thích, mong muốn khác nhau. Nếu cả đại gia đình bị “xếp vào một rọ”, ép cùng một mâm, cùng món ăn, cùng giờ giấc là không thể được. Vì vậy, dù chúng ta có lưu luyến với những hình ảnh gia đình sum vầy tứ đại đồng đường thì cũng phải chia tay thôi, nếu cố níu giữ sẽ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cũng không thể yên ổn mà yêu thương nhau được.
Nhưng khi gia đình truyền thống “rã đám” thì gia đình hạt nhân cũng sẽ đánh mất nhiều giá trị, thiếu giao tiếp, thiếu tình người?
- Đúng là gia đình truyền thống có nhiều ưu điểm khi người già ở gần con cháu, được chia sẻ về mặt tình cảm, con cháu cũng có điều kiện chăm sóc ông bà, bố mẹ, tình thân sẽ gắn kết hơn. Tuy nhiên, đó là khi gia đình giữ được nếp nhà kính trên nhường dưới, yêu thương, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Còn khi sự tin yêu, kính trọng bị giảm bớt, thì việc sống chung nhà, để con trẻ nhìn thấy những việc thiếu tôn tư trật tự thì còn tai hại hơn. Do đó, mỗi người, nếu lựa chọn cách sống chung thì cần giảm bớt cái “tôi”, còn nếu sống “hạt nhân” thì cũng cần học kỹ năng sống độc lập, tự chủ…
Theo ông, cần phải chuẩn bị những gì cho tuổi già khi lối sống “già cậy con” không còn?
- Người già hiện nay cũng có nhu cầu sống cho riêng mình, chứ không chỉ “vui vầy con cái” là đủ. Vì vậy, thay vì nuôi con như “của để dành” thì mỗi người nên có sự tích cóp kinh tế để dành cho riêng mình lúc tuổi già, sống dựa vào mình, dựa vào cộng đồng hơn chỉ là chăm chăm ngóng đứa con nơi xa.