Dân Việt

Sát cánh cùng gia đình chiến sĩ Trường Sa

Lê San - Hồng Đức 29/06/2014 06:30 GMT+7
Để các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa yên tâm công tác, trong 2 ngày 25 và 26.6, đại diện Báo NTNN, Trường chim Anh Phạm đã tới thăm, tặng quà động viên gia đình các chiến sĩ. 

“Chỉ ước có cái nhà”

Chúng tôi tới thăm nhà trung úy đặc công Đỗ Quang Học ở thôn Điện Biên, xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Anh Học hiện đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Trong cái nắng hầm hập của mùa hè, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 cũ nát, chật chội, hầu như chẳng có gì đáng giá. Em gái anh Học - Đỗ Thị Dung mới ngoài 30 tuổi bước đi liêu xiêu trong cơn ho rũ rượi do căn bệnh ung thư phổi. Anh trai Học - Đỗ Đình Văn (35 tuổi) mà nụ cười ngây ngô như đứa trẻ lên 3 được người mẹ già ngoài 60 tuổi bị nhiễm chất độc da cam, chăm bẵm. Người thương binh 62 tuổi Đỗ Văn Lương - cha Học chưa một ngày nghỉ ngơi với đống lo toan cơm áo, gạo tiền cho ngần ấy con người ốm đau bệnh tật.

Ông Lương buồn rầu kể: “Tôi là thương binh 4/4, vợ là thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Sinh được 3 người con, thì có mỗi Học là lành lặn, khoẻ mạnh, nhưng cháu lại đi bộ đội từ sớm, cũng chẳng giúp đỡ được bao nhiêu. Cháu Văn bị thần kinh từ nhỏ, cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Thỉnh thoảng lại bỏ đi lang thang, có lần suýt mất tích. Rồi cháu Văn lấy vợ, có con cũng tới phiên bố mẹ phải cõng thêm cả con dâu lẫn cháu. Cháu Dung đi học cao đẳng thiết kế thời trang trong TP.HCM xong, về Hà Nội học tiếp Đại học Công nghiệp. Nhưng đang học dở năm thứ 3 thì ốm nặng. Gia đình phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho cháu, tốn hết mấy trăm triệu đồng. Bệnh tật nên cháu mặc cảm, cứ ru rú trong nhà. Nhìn chúng như thế, lòng tôi đau như xát muối. Cả gia đình bây giờ chỉ trông vào đồng lương chế độ của vợ chồng tôi được gần 4 triệu đồng. Còn 4 sào ruộng giao khoán cho người ta chứ trong nhà chẳng còn ai để làm. Vợ tôi ốm yếu, nằm viện mấy năm nay rồi, cứ trái nắng trở trời là lại đau đớn, vật vã”.

Chị Hoàng Thị Linh Thuận - vợ anh Học, là giáo viên Trường THCS xã Bình Thanh. Hai con anh còn nhỏ, một đứa 5 tuổi, một đứa 3 tuổi. Nhà cửa chật chội nên cả hai vợ chồng phải đi thuê nhà. Chị Thuận chia sẻ: “Năm 2009, chúng em lấy nhau. Lấy anh, em cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ nghĩ chúng em yêu nhau thì việc gì cũng sẽ vượt qua được. Do nhà chật nên chúng em thuê căn nhà cách nhà bố mẹ mấy căn. Cũng tính là xây nhà nhưng không đủ điều kiện nên năm vừa rồi mới chỉ xây được cái móng. Cứ nhìn gia cảnh nhà mình, bố mẹ anh em nheo nhóc, chẳng có lấy cái nhà để ở, rồi anh Học lại ở xa, em tủi thân lắm. Đêm ngủ, nước mắt cứ trào ra. Anh Học lúc nào cũng lo lắng cho bố mẹ và các em ở nhà. Em phải nén nước mắt, vượt lên để động viên anh, cố gắng giữ vững tinh thần công tác. Giờ chúng em cũng chỉ mong ước là có đủ tiền để xây ngôi nhà che mưa, che nắng, ổn định cuộc sống”.

Nhận 5 triệu đồng, món quà nhỏ từ Báo NTNN và Trường chim Anh Phạm, ông Lương rơm rớm nước mắt: “Các anh chị đã động viên, tiếp sức rất lớn cho gia đình tôi...”.

Cố gắng vì con

Chiến sĩ Lê Trung Thứ, sinh năm 1992, đang làm nhiệm vụ ở đảo An Bang, Quần đảo Trường Sa. Căn nhà của gia đình Thứ ở xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chẳng có gì giá trị ngoài cái tivi cũ. Bố mất sớm nên tất cả mọi khó khăn nhọc nhằn đều đổ hết lên bờ vai của mẹ. Nhà chỉ có 4 sào ruộng, lại nuôi 4 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, nên bà Vui phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền cho con ăn học. “Ngày mùa tôi làm ruộng nhà mình, rồi đi làm công cho người ta. Có ngày được 100 nghìn đồng, có ngày chỉ được 80 nghìn đồng. Còn ngày bình thường phải qua tận xã bên để làm thuê. Thu nhập cũng không ổn định, bữa có, bữa không. Chục năm trước, trong khi đi xát lúa thuê cho người ta, bị hạt thóc bắn vào mắt. Thế là từ đó đến nay, một con mắt hỏng hẳn, chỉ còn nhìn thấy mờ mờ. Cũng may các cháu đều ngoan, biết thương, đỡ đần cho mẹ. Trong nhà giờ chỉ còn cháu út đang học lớp 10. Còn cháu Thứ học hết lớp 12 thì xung phong đi bộ đội. Đi bộ đội cháu trưởng thành hơn nhiều. Mấy ngày nay nghe tin ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tôi cũng lo lắm, gọi điện hỏi con, nó bảo là mẹ cứ yên tâm, con vẫn công tác tốt” - bà Vui kể.

   Báo NTNN và Trường chim Anh Phạm đã tổ chức Hội thi tiếng hót chim hướng về biển đảo quê hương. Các chủ chim đã ủng hộ trên 26 triệu đồng, hỗ trợ mỗi gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa đang gặp khó khăn 5 triệu đồng.
Nhận số tiền 5 triệu đồng từ Báo Nông Thôn Ngày Nay và Trường chim Anh Phạm, bà Vui chia sẻ: “Với số tiền hỗ trợ này, tôi sẽ xây chuồng để nuôi con lợn, con gà. Cũng mong muốn làm điều này từ lâu rồi nhưng chưa có điều kiện để thực hiện”.

Thời gian qua, ngày nào gia đình ông Hoàng Ngọc Miên (trú tại phường Quảng Thành, TP.Thanh Hóa) - bố của chiến sĩ Hoàng Ngọc Hùng (SN 1994, hiện đang làm nhiệm vụ trên đảo Thuyền Chài thuộc cụm An Bang, quần đảo Trường Sa) cũng theo dõi, cập nhật thông tin thời sự về tình hình Biển Đông. Ông Miên chia sẻ: “Hùng là con út trong gia đình làm nông nghiệp có 3 anh chị em. Sau khi học xong PTTH, tháng 2.2013 Hùng được nhập ngũ, ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Tôi luôn động viên con phải luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, và làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Tôi tự hào khi con mình là lính biển”.

  Hoàn cảnh gia đình trung úy đặc công Đỗ Quang Học rất thương tâm, bố là thương binh, mẹ bị nhiễm chất độc da cam, anh trai, em gái bị bệnh nặng, vợ và hai con thơ dại. Cả nhà gần chục người sống trong một ngôi nhà cũ nát, xập xệ, rất cần có sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, bạn đọc cả nước.  Báo NTNN tiếp tục kêu gọi bạn đọc cả nước ủng hộ các gia đình chiến sĩ Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn, trước mắt là làm nhà cho trung úy Học. Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo NTNN - 13 Thụy Khuê, Hà Nội; tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội.