Dân Việt

Vừa bán, vừa… lo thương nhân Trung Quốc gian dối, quỵt tiền

Thanh Xuân 28/06/2014 07:28 GMT+7
Sự xuất hiện của 214 thương nhân Trung Quốc (TQ) tại Lục Ngạn (Bắc Giang) trong những ngày gần đây đã tác động đôi chút đến tình hình tiêu thụ và giá vải thiều ở đây. Dù bán được vải, nhiều người vẫn luôn trong tình trạng lo lắng vì sợ các thương nhân này quỵt tiền, cũng như giở nhiều trò buôn bán gian dối.  

Hạn chế đi lại tự do

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, những ngày này, hầu hết các điểm cân vải xuất khẩu trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều có thương lái người TQ sang thu mua, giám sát vài thiều.

Một lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết, điểm mới trong việc quản lý người nước ngoài, nhất là người TQ khi sang Việt Nam thu mua nông sản là chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp giám sát thương nhân TQ, đồng thời có phương án bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ phù hợp cho họ, chứ không để họ tự do đi lại như trước đây.

“Biện pháp này sẽ hạn chế được việc thương nhân TQ tự ý giao dịch trực tiếp với các hộ dân, từ đó dẫn tới việc người dân có thể bị lừa hoặc thiệt thòi khi bán hàng cho họ”- vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, để đề phòng chuyện bị thương lái TQ quỵt tiền người bán vải, một số chủ điểm cân đã đề nghị cất giữ visa, hộ chiếu của thương lái TQ và đăng ký đầy đủ tạm trú với chính quyền địa phương.

Do năm nay vải thiều được mùa, nên thay vì phải vào tận vườn vải “đặt hàng” như mọi năm, các thương lái TQ chỉ tập trung ở các điểm cân chính để chọn hàng. Khảo sát của UBND huyện Lục Ngạn cho thấy, vải xuất khẩu hiện được thương lái TQ thu mua với giá 19.000 – 20.000 đồng/kg, riêng loại vải đẹp, quả to đều được thu mua ở mức 27.000 đồng/kg.

Tính đến thời điểm này, trên toàn địa bàn huyện Lục Ngạn có khoảng 1.000 điểm cân, với 327 điểm lớn thu mua trên 10 tấn vải/ngày. Trong đó có trên 100 điểm cân vải của thương lái TQ, một số điểm có 5 - 7 thương lái TQ thu mua.

Trước sự xuất hiện của nhiều thương nhân TQ, chính quyền huyện Lục Ngạn cũng đã bố trí và chuẩn bị các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nên việc giao dịch giữa người bán vải, thương lái trong nước với phía TQ cho đến thời điểm này chưa xuất hiện trục trặc lớn nào.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, sở dĩ thương nhân TQ đẩy mạnh thu mua vải thiều vào thời điểm này là do tới 10.7 sẽ kết thúc vụ thu hoạch. Nhờ đó, số lượng vải được phía TQ thu mua đã đạt 5.000 tấn/ngày.

Chỉ được giám sát

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, để đảm bảo trật tự, an toàn cho người dân trong việc thu hoạch và mua bán vải thiều, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, đồng thời chỉ đạo ký cam kết với các hộ dân những nội dung như:

Cam kết bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không gây ô nhiễm môi trường; giữ quan hệ nhân văn trong trao đổi, mua bán, quan hệ với thương lái TQ; đặc biệt là ký cam kết không được trừ lùi đầu cân nhằm tránh thiệt thòi cho người trồng vải. Những năm trước đây, một số điểm cân thường trừ lùi đầu cân (trừ bì) tới 5-7kg/sọt vải.

“Hiện có tổng số 214 thương nhân TQ đang có mặt tại huyện Lục Ngạn. Tôi khẳng định là thương nhân TQ chỉ giám sát thu mua vải thiều, còn các công đoạn như thu mua, cân vải, đóng thùng đều do thương lái của Việt Nam và người dân Lục Ngạn thực hiện. Chúng tôi kiên quyết xử lý những trường hợp thương nhân trong và ngoài nước buôn bán gian lận, ép cân, ép giá người dân” - ông Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, hiện vẫn có vài điểm thu mua của thương nhân TQ và thậm chí cả thương nhân trong nước ép giá người dân hoặc trừ lùi đầu cân vài kg, thậm chí chịu tiền người bán vải, gây ra to tiếng lẫn nhau, nhưng khi chính quyền can thiệp họ đã giải hòa và thanh toán sòng phẳng tiền mua hàng. Vì vậy mà đến nay, chưa có trường hợp mua bán, trao đổi nào bị xử lý hành chính.

  “UBND tỉnh Bắc Giang đã huy động khoảng 300 người gồm lực lượng công an, cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập cảnh..., với sự hỗ trợ của các chiến sĩ Sư đoàn 325, lực lượng công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho mùa thu hoạch vải thiều” - ông Trần Quang Tấn thông tin. 

Không chỉ triển khai giám sát tình hình thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn, ngành chức năng còn thực hiện giám sát chặt chẽ tại khu vực cửa khẩu. Theo ông Tấn, các điểm cân ở Lục Ngạn thực chất là những điểm nhỏ thuộc các doanh nghiệp Việt Nam.

Để thực hiện mua bán vải thiều ở Lục Ngạn, các thương nhân TQ phải giao dịch trực tiếp với các công ty để mở CO thông quan chính ngạch. Vải thiều sau khi cân, đóng vào thùng xốp, vận chuyển lên cửa khẩu còn phải tiến hành kiểm dịch, làm thủ tục thông quan.

Thông thường, các doanh nghiệp lớn đều yêu cầu bạn hàng chuyển tiền trước khi đưa vải qua cửa khẩu, thậm chí có nhiều điểm cân người dân yêu cầu thương lái TQ phải trả tiền trước để có tiền thanh toán cho người dân. Chính vì thế nên đến nay, việc mua bán vải thiều với người TQ vẫn thuận lợi, chưa xảy ra chuyện quỵt tiền.