Ngày 28.6, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc các doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trên địa thành phố.
“Thể trạng” của đất nước đang yếu
Tại buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý đã thẳng thắn bày tỏ bức xúc về tính bất cập của Thông tư 33 do Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay tiền để kinh doanh mua bán vàng.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, các doanh nghiệp đã không ngại góp ý về chính sách thuế theo Thông tư 156 của Bộ Tài chính năm 2013, cho rằng chính sách này làm cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lúng túng…
Phản hồi bức xúc của doanh nghiệp, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Doanh nghiệp tư nhân phải đóng vai trò lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu doanh nghiệp thấy vướng gì về chính sách, đừng sợ đụng chạm mà hãy góp ý cho sâu, nói đúng sự thật tất cả mặt sáng, mặt tối”.
Theo Chủ tịch nước, kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định nhưng “thể trạng” đất nước vẫn đang còn yếu. Nợ công gần đây tăng nhanh với tổng nợ công/tổng thu ngân sách là 14-15%/năm. Do đó, nhiệm vụ tiếp theo là phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kỳ họp Quốc hội vừa qua, song song với triển khai Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã ban hành, sửa đổi các luật liên quan đến tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
“Trên con đường để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi đà tăng trưởng, cái đáng lo nhất cũng là hệ thống chính sách, văn bản pháp luật còn nhiều rắc rối. Vì vậy, rất cần các doanh nghiệp tự mình kiến nghị cụ thể ngay để luật đi vào cuộc sống sớm đi”, ông Sang nói.
Chủ tịch Nước khẳng định: Đây là giai đoạn sẽ chú trọng kiểm soát vấn đề vi hiến, vi luật để đất nước mạnh lên trên mọi phương diện. Cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, toàn dân phải góp sức vào. Văn bản, thông tư nào không phù hợp thì các sở ngành phải báo cáo, kiến nghị ngay với bộ ngành trung ương. Chậm ban hành thì phải nhanh chóng ban hành và hướng dẫn phải đúng tư tưởng chỉ đạo. Không thể chấp nhận nghị định một đàng, thông tư một nẻo.
Công nghiệp phụ trợ hay là chết
Các doanh nghiệp da giày, điện tử cũng nêu lên vấn đề “nhức nhối” của công nghiệp phụ trợ. Có doanh nghiệp đề xuất TP.HCM nên thành lập khu công nghiệp phụ trợ với các chính sách hỗ trợ đặc biệt về đất đai, giá thuê mặt bàng, vốn…
Trả lời các băn khoăn này, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đồng tình phải làm thế nào có hệ thống chính sách giúp nền kinh tế phát triển tích cực, bền vững.
“Đặc biệt, trong việc tự do hóa thương mại sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2016 tới, chắc chắn hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam. Chúng ta chỉ còn một năm rưỡi để tăng cường sức mạnh thương mại, lình xình như hiện nay là chết”, ông Sang cảnh báo.
Theo Chủ tịch Nước, muốn xoay chuyển tình thế, thì không thể để tình trạng công nghiệp phụ trợ mãi như thế này, nền kinh tế nước nhà vẫn mãi là nền kinh tế gia công. Khi công nghiệp phụ trợ phát triển chính giúp là chuyển từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế sản xuất. Các giá trị sinh lời từ nền sản xuất đó sẽ rơi vào doanh nghiệp Việt Nam. Nếu khai thác được công nghiệp phụ trợ, đã có thể giải quyết cho một đội quân lao động gấp 3 lần số hiện nay.
“Nhưng không hiểu tại sao rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lãnh vực này? Chưa có địa phương nào ở Việt Nam làm tốt công nghiệp phụ trợ”, Chủ tịch nước tự hỏi và đưa ra số liệu cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 10% công nghiệp phụ trợ. Trong khi đó ở Đông Nam Á, nước thấp nhất đã là 40% và cao nhất 60%.
Ông Sang so sánh, chỉ đến năm thứ 13 sau đổi mới, Trung Quốc đã xuất siêu. Thái Lan năm vừa rồi biến động chính trị như vậy mà xuất siêu vẫn hơn 10 tỷ USD. Nhờ làm tốt công nghiệp phụ trợ mà các nước này giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, giảm được nhiều tầng sắc thuế và tăng trưởng đều đặn.
Chủ tịch Nước hy vọng với truyền thống năng động, doanh nghiệp TP.HCM cố gắng củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và đưa đà tăng trưởng lên con số 13-14% - mốc cao nhất của thời hưng thịnh vào thập kỷ 90 thế kỷ trước.
Chủ tịch Nước gợi ý nên mời những doanh nghiệp giỏi nhất trong từng ngành nghề về tham dự các cuộc thảo luận như thế này để “họ nói cho mà nghe”.