Dân Việt

Ô ạt bỏ GlobalGAP: Bưởi Tân Triều tan biến giấc mơ xuất ngoại

Minh Hậu 30/06/2014 07:15 GMT+7
Để bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có cơ hội xuất khẩu, nông dân đã đầu tư sản xuất bưởi thương hiệu GlobalGAP. Vậy mà, khi đã đạt thành quả, nhiều công ty, siêu thị nước ngoài về đặt hàng bao tiêu sản phẩm bưởi thì nông dân nơi đây lại đồng loạt ngừng sản xuất...

“Xoá sổ” bưởi GlobalGAP

Năm 2011, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) đã trao chứng nhận GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) gần 7ha diện tích bưởi Tân Triều. Đây là “cánh cửa” mở ra cơ hội cho bưởi đặc sản của Đồng Nai ra với thị trường quốc tế. Tuy vậy, số diện tích này đến nay đều đã bị nông dân “xoá sổ”.

Ông Ngô Văn Thân- Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tân Triều cho biết: “Tổng diện tích bưởi Tân Triều hiện có khoảng 350ha với trên 45 hộ dân canh tác. Số diện tích bưởi GlobalGAP đều bị người dân chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc quay về với phương thức sản xuất truyền thống”.

Ông Huỳnh Văn Phát, một trong những nông dân từng tham gia trồng bưởi GlobalGAP cho biết: “Tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng các công trình trong vườn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và bắt tay vào sản xuất. Phương thức sản xuất bưởi này khác biệt hoàn toàn so với canh tác truyền thống nên rất khó thực hiện. Làm vất vả, công phu, đầu tư lớn nhưng sản phẩm cũng chỉ bán ngang giá với bưởi thường nên tôi quyết định bỏ, chuyển sang làm theo phương thức cũ”.

Tan biến giấc mơ xuất ngoại

Một năm sau khi thực hiện bưởi GlobalGAP, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu nên một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Philippines, Đức… đã tìm về tận vườn đặt hàng bao tiêu sản phẩm.

Ông Ngô Văn Thân cho biết: “Các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của công ty nước ngoài đều đặt hàng mỗi tháng từ 40 - 50 tấn quả và đảm bảo đủ hàng suốt 12 tháng trong năm. Đây là cơ hội cực kỳ lớn đối với người trồng bưởi tuy nhiên sản lượng bưởi nông dân làm ra không thể đáp ứng nhu cầu nên cơ hội xuất khẩu không thành. Khi không đảm bảo được nguồn hàng xuất khẩu, nông dân đã ồ ạt bỏ bưởi GlobalGAP”.

Theo nông dân trồng bưởi, do diện tích bưởi GlobalGAP ít nên việc đạt sản lượng để đảm bảo hợp đồng xuất khẩu với đối tác rất khó thực hiện. Hơn nữa, mỗi năm, bưởi cho thu hoạch một lần vào vụ chính là tháng 12 âm lịch nên không thể đảm bảo nguồn hàng cho suốt 12 tháng.

“Nếu xuất khẩu thì bắt buộc chúng tôi phải canh tác bưởi trái vụ. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, tuổi thọ của cây, làm giảm chất lượng quả. Bỏ cơ hội xuất khẩu này chúng tôi rất tiếc nhưng không có lựa chọn nào khác” – nông dân Lê Văn Tự thổ lộ.

Phó Chủ nhiệm HTX Tân Triều, ông Ngô Văn Thân tiếc nuối: “Khi chưa thực hiện GlobalGAP thì khát khao, khi thực hiện được rồi lại bỏ. Bây giờ muốn làm trở lại thì nông dân lại phải đầu tư từ đầu rất tốn kém”.