Dân Việt

Xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm: Mục đích không phải phạt thu tiền

Vinh Hải (ghi) 01/07/2014 13:22 GMT+7
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm (MBH) là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, chứ mục tiêu không phải là phạt ai, thu được bao nhiêu tiền.
Mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy là mũ không có đủ 3 lớp (vỏ - đệm hấp thụ xung động bên trong – quai mũ), không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy. Người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải MBH sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 – 200.000 nghìn đồng theo quy định tại Nghị định 171/NĐ/2013/NĐ-CP.

Thưa ông, tại sao bây giờ các cơ quan chức năng mới triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện?

- Các cơ quan chức năng đã thực hiện theo Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Tiếp đó, Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực. Cụ thể, những người đội mũ không phải là MBH sẽ bị xử phạt hành chính như người không đội MBH.

Còn tại sao bây giờ mới triển khai cao điểm? Trước đây, còn có chuyện đội những loại mũ được gọi là MBH, thành ra gây khó khăn trong việc xử phạt cho lực lượng CSGT. Hiện đã có quy định khép kín toàn bộ các khâu từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, nghĩ là đã có đầy đủ chế tài để thực hiện. Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG cũng đã được ban hành cách đây 2 tháng để các địa phương chuẩn bị trước.

Đợt triển khai có nhằm mục tiêu xử phạt những người không đội MBH đạt tiêu chuẩn không, thưa ông?

- Trọng tâm của nửa cuối năm 2014 không phải là xử lý vi phạm mà phải tổ chức triển khai đảm bảo được cả ba khâu từ sản xuất, lưu thông đến tuyên truyền, sử dụng.

Tập trung nhất là khâu tuyên truyền, làm sao để người sử dụng nhận thức được lợi ích của đội MBH và tác hại của việc đội MBH giả cũng như các loại mũ không phải MBH.

Tiếp đó là khâu sản xuất, các lực lượng liên ngành sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất. Điều này rất quan trọng để giảm thiểu được MBH giả.

Khâu lưu thông lần này cũng đã xác định trách nhiệm của các địa phương, đoàn thể đến tận cấp xã, phường để làm sao các cơ sở kinh doanh phải cam kết không bán MBH giả, kém chất lượng và phải nói rõ với người dân đây là loại mũ gì.

Điều này nhằm đảm bảo người dân khi muốn mua MBH đi xe máy mua đúng loại mũ an toàn mình cần.

Khi bị xử phạt, lực lượng CSGT phải chứng minh được người dân đội MBH giả, không đạt tiêu chuẩn?

- Phải xác định thật rõ, CSGT và người dân không phải là những người có trách nhiệm trong việc đi chứng minh mũ này là giả hay thật. Trong trường hợp đó, sẽ xử phạt người sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, phải thấy rằng người CSGT không tranh cãi đâu là mũ giả, mũ thật. Giai đoạn đầu, đề nghị lực lượng chức năng nhắc nhở người dân sử dụng đúng MBH đạt chuẩn và thu hồi MBH không đạt tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn. Lực lượng CSGT tiến hành xử lý các hành vi đội MBH không đúng quy định tương tự hành vi không đội MBH, ví dụ như đội mũ không cài quai, đội loại mũ không phải là MBH.

Các cơ quan chức năng phải làm thay đổi nhận thức chung của cả chuỗi sản xuất, phân phối, sử dụng. Nỗ lực của các cơ quan thực thi nhiệm vụ chỉ để tạo ra cảnh báo, xử phạt những người cố tình vi phạm, chứ mục tiêu của vấn đề này không phải là phạt để lấy tiền.

Đợt cao điểm xử lý sẽ tiến hành trong bao lâu, thưa ông?

- Bây giờ chúng ta không làm theo cuộc, theo đợt nữa mà đó là nhiệm vụ thường xuyên của các Ban ATGT địa phương. Cũng đừng hy vọng có thể qua một đêm, qua một tháng, qua một quý có thể thay đổi được tình trạng sử dụng MBH chưa đạt chuẩn, chúng ta cần có thời gian. Phải xác định đây là quá trình lâu dài, thành bại ở chỗ mức độ thay đổi nhận thức của người dân đến đâu.

Có tín hiệu tích cực từ khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới tại 5 địa phương ở Việt Nam cho thấy 60% người dân được hỏi cho biết họ mua MBH vì lý do an toàn, chỉ có số ít mua vì sợ bị phạt. Nghĩa là số người nhận thức được cần đến nhu cầu an toàn ngày càng cao.

Việc đầu tiên là phải giảm thiểu được loại MBH đầy đủ thông tin như MBH đạt chuẩn nhưng thực chất là không đủ tiêu chuẩn.

Các cơ quan chức năng phải cố gắng để tạo ra văn hóa mới về hành vi đội MBH của người dân. Đó là, khi tìm mua MBH, phải nghĩ đến tính mạng, sức khỏe của bản thân mình. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải chỉ ra cho người dân thấy đâu là MBH đạt chuẩn. Tiếp đó, là phải thay đổi được đạo đức của người kinh doanh, để làm sao tất cả người sản xuất, kinh doanh chỉ bán MBH đạt chuẩn cho người sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

Mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy là mũ không có đủ 3 lớp (vỏ - đệm hấp thụ xung động bên trong – quai mũ), không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy. Người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải MBH sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 – 200.000 nghìn đồng theo quy định tại Nghị định 171/NĐ/2013/NĐ-CP.