Dân Việt

Vụ Dương Chí Dũng bị tạm giam vẫn hưởng lương: Bộ GTVT đã ưu ái, thiên vị?

Lương Kết 01/07/2014 07:21 GMT+7
Mặc dù lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, việc Dương Chí Dũng- nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bị tạm giam vẫn được hưởng lương là đúng quy định, nhưng theo nhiều ý kiến thì việc này là có sự thiên vị, ưu ái, thậm chí là một cách hiểu sai lệch, thiếu trách nhiệm của Bộ GTVT.

Xin nhắc lại những ngày dư luận hết sức xôn xao xung quanh vụ việc Dương Chí Dũng- nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được hưởng lương trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử. Với một nhân vật vừa bị TAND Tối cao tuyên y án tử hình vì tham nhũng “tội tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” lại được hưởng lợi về kinh tế khi đã vướng vào lao lý khiến dư luận thấy lố bịch và thêm bất bình.

Thế nhưng, trong công văn trả lời báo chí mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã viện dẫn Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 34/2011 của Chính phủ để lý giải việc trả lương cho Dương Chí Dũng. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức: "

Công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật"). Còn theo Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật”.

Công văn của Bộ GTVT cũng viện dẫn khoản 4 Điều 4 Nghị định 34/2011 quy định các trường hợp chưa xem xét kỷ luật là “đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”. Nghe qua, có vẻ thấy Bộ GTVT cũng đã áp dụng quy định của pháp luật khá chặt chẽ đối với trường hợp của Dương Chí Dũng.

Tuy nhiên khi xem xét kỹ lại một số quy định khác liên quan mới thấy dường như việc áp dụng luật của Bộ GTVT có sự thiên vị, ưu ái. Thậm chí là một cách hiểu sai lệch, thiếu trách nhiệm (!?) Đối với một công chức đang làm việc bình thường mà bị Cơ quan điều tra "sờ gáy", đây là một vấn đề khách quan.

Bản thân công chức đó dù có bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử nhưng vẫn chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án. Việc quy định vẫn trả 50% lương cho công chức đó cũng là phù hợp, bởi nhiều trường hợp sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra kết luận họ vô tội. Thế nhưng trường hợp Dương Chí Dũng lại khá đặc biệt.

Ngay khi biết tin mình bị khởi tố, bắt giam để điều tra, Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài (nhờ sự giúp đỡ của em trai và các đồng phạm), phải hơn 4 tháng sau mới bị bắt. Hành vi này cũng đồng nghĩa với việc Dũng đã tự ý, chủ động bỏ việc (chứ không phải nghỉ việc vì bị cơ quan điều tra bắt).

Trong một chừng mực nào đó, Bộ GTVT đã từ bỏ quyền và cũng là trách nhiệm của mình trong việc xử lý cán bộ công chức vi phạm luật. Nếu Bộ GTVT thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, đã không có chuyện “cười ra nước mắt” là Dương Chí Dũng vẫn được hưởng 50% lương trong thời gian bị tạm giam.
Một cán bộ lãnh đạo đứng đầu ngành hàng hải mà bỗng nhiên biệt tăm, không có mặt tại công sở nhiều tuần, nhiều tháng, thì việc cần phải làm đối với Bộ GTVT - cơ quan chủ quản của Dương Chí Dũng - là phải xem xét xử lý hành vi vi phạm của đối tượng này như đối với một cán bộ công chức tự ý bỏ việc. Và nếu chiểu theo khoản 4 Điều 14 của Nghị định 34/2011, "Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong 1 tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp" sẽ bị buộc phải thôi việc.

 

Trường hợp của công chức Dương Chí Dũng đã được quy định của pháp luật điều chỉnh, thẩm quyền thuộc cơ quan sử dụng lao động là Bộ GTVT. Nhưng không hiểu vì sao, Bộ GTVT đã không áp dụng quy định này để tiến hành buộc thôi việc ngay với Dương Chí Dũng, cùng với đó là các động thái khác như cắt lương, chấm dứt hợp đồng lao động…

Trong một chừng mực nào đó, Bộ GTVT đã từ bỏ quyền và cũng là trách nhiệm của mình trong việc xử lý cán bộ công chức vi phạm luật. Nếu Bộ GTVT thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, đã không có chuyện “cười ra nước mắt” là Dương Chí Dũng vẫn được hưởng 50% lương trong thời gian bị tạm giam sau khi đã tự ý bỏ việc, trốn lệnh truy nã tới 4 tháng trời.

Phải chăng đã có sự ưu ái trong việc vận dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ cấp cao của Bộ GTVT? Còn nếu không, chỉ có thể hiểu đó là hậu quả của việc vận dụng sai pháp luật, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách của mình.


Luật Sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Áp dụng quy định của pháp luật phải sát

Có thể nói hệ thống pháp luật của nước ta hiện cũng đã tương đối toàn diện. Nó được bổ sung kịp thời để điều chỉnh những vấn đề đã và đang nảy sinh trong cuộc sống. Vấn đề là việc áp dụng quy định pháp luật phải sát, đúng thẩm quyền chức năng. Việc bỏ trốn hơn 4 tháng của Dương Chí Dũng, đối với cơ quan điều tra là hành vi trốn tránh trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm về hình sự.

Nhưng với cơ quan sử dụng lao động thì đó là vi phạm về kỷ luật lao động và vi phạm Nghị định 34/2011 quy định về xử lý kỷ luật với công chức. Hành vi này nếu xử lý theo quy định của Điều 14 Nghị định 34/2011 sẽ là buộc thôi việc ngay khi anh tự ý nghỉ đủ 7 ngày làm việc liên tục trong 1 tháng. Như vậy, sẽ không bao giờ có chuyện Dũng lại được hưởng 50% lương.

Luật Sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Việc bỏ trốn là tình tiết tăng nặng

Theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản nếu thấy sai phạm của người cán bộ, công chức đó thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì phải có biện pháp xử lý, còn nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì phải kiến nghị chuyển cơ quan điều tra. Trường hợp Dương Chí Dũng đang làm việc bình thường mà trốn biệt tăm nhiều ngày thì cơ quan chủ quản phải xử lý ngay.

Việc xử lý kỷ luật của cơ quan chủ quản cũng không lo là sẽ trùng lặp và ảnh hưởng đến việc xử lý của cơ quan tố tụng. Bởi việc bỏ trốn của Dũng không phải là hành vi độc lập cấu thành một tội phạm mà nó chỉ là tình tiết tăng nặng cho đối tượng khi định tội cho hành vi sai phạm trước đó. Việc bỏ trốn ở khía cạnh khác đồng nghĩa với tự ý nghỉ việc là sai phạm với cơ quan chủ quản nên phải bị xử lý kỷ luật.
Ngọc Lương (ghi)

Bộ GTVT biện minh cho sai trái

Theo quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì tự ý nghỉ việc tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong 1 tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong 1 năm  thì đã bị buộc thôi việc. Đằng này ông Dũng còn bỏ trốn để tránh lệnh truy nã thì còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Vậy mà Bộ GTVT không ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc và còn cố biện minh, trả lời công luận lập lờ. Họ biện minh cho việc làm sai trái của mình hay những người có trách nhiệm liên quan  ở Bộ GTVT có nhiều “duyên nợ” với ông Dũng?
Đặng Đức Năng (Đầm Hà, Quảng Ninh)

Không thể chấp nhận được


Tôi rất bất bình với việc Bộ GTVT trả lương cho ông Dương Chí Dũng. Họ còn lý giải rằng trong thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử và bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì Bộ GTVT chưa đủ cơ sở để xử lý kỷ luật đối với ông Dũng. Điều này đúng, bởi khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì chưa thể kết luận một người có tội hay không. Nhưng ông Dũng bỏ trốn 4 tháng thì ngay thời điểm đó đã phải kỷ luật cắt lương rồi. Sao bây giờ Bộ GTVT còn trả lời loanh quanh? Như thế là không thể chấp nhận được.
Nguyễn Quang Hoàn (Đà Lạt, Lâm Đồng)

Xử lý cả những người trả lương

Theo Bộ GTVT thì Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện việc chi trả 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với (cựu) Cục trưởng Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi có bản án phúc thẩm. Ông Dũng hiện là bị cáo trong vụ án, lẽ ra lương cũng không được hưởng chứ đừng nói đến phụ cấp chức vụ. Lấy tiền đóng thuế của dân ra để trả cho một kẻ đang ngồi trong trại giam là việc đến trẻ con cũng không chấp nhận được. Họ sợ Dũng hay đằng sau câu chuyện này còn có “ẩn ý” nào khác? Cần phải đưa những người có liên quan trong việc trả lương cho Dũng ra xử lý thì lòng dân mới yên.
Trần Thọ (Thị trấn Hưng Hà, Thái Bình)