Được biết “Bão qua làng” là một bộ phim thuộc thể loại chính luận - một trong những thế mạnh của VFC. Anh có thể chia sẻ về nội dung phim?
- “Bão qua làng” thể hiện đề tài nông thôn đổi mới gắn liền với những vấn đề mang tính thời sự như thu hồi đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, quá trình đô thị hoá và các hệ lụy dẫn đến những tệ nạn, sự tha hoá của con người…
Nội dung phim xoay quanh vợ chồng Lận – Đận ở làng Đợi, và trang trại trồng nuôi trồng của họ có nguy cơ bị thu hồi đất. Cùng với đó là sự kiện bầu cử trưởng thôn tại làng Đợi. Cái chức “mõ làng” bao năm không ai chú ý nay bỗng đắt giá bởi tin đồn: Cái làng nằm giáp ranh thủ đô có thể được quy hoạch thành thành phố vệ tinh…
“Bão qua làng” là bộ phim có thời lượng dài 30 tập do NSƯT Trần Quốc Trọng kết hợp cùng tôi làm đạo diễn. Mặc dù là bộ phim thể loại chính luận, nhưng chúng tôi không khai thác theo thể loại chính luận mang tính khô cứng, và nặng nề. Mà chúng tôi muốn khai thác đề tài này dưới một góc nhìn khác, ở đó các vấn đề nóng bỏng được phản chiếu trên một lăng kính mềm mại và nhẹ nhàng hơn. Thật ra, những hiện tượng tiêu cực hoặc những lối nghĩ mang tính chất xấu cũng chỉ là bộ phận nhỏ lẻ. Bởi dân ta, đặc biệt là người dân nông thôn luôn giữ được tâm tính của những người hiền lành, chân chất...
Anh đã khai thác như thế nào để khán giả cảm nhận được những vấn đề thực tế nông thôn đang xảy ra, phản ánh được đầy đủ hơi thở của cuộc sống nông thôn?
- Đối với đoàn làm phim của tôi, người làm phim phải tìm hiểu rất kỹ các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để thể hiện trong phim thật xác thực, nhuần nhuyễn, qua đó làm rõ những sai phạm của người thực thi, người ta lách như thế này, luồn như thế kia. Trong phim “Bão qua làng” luôn nói đến tình người, tình làng xóm, anh em, họ hàng, luôn giúp đỡ nhau khi ai đó khó khăn, hoạn nạn. Đó là nét văn hóa của nông thôn Việt Nam. Chính vì vậy, đây là điểm mạnh, là điều cốt lõi để tôi khai thác trong phim.
Lần đầu tiên nhận làm phim về đề tài nông thôn, anh có bị áp lực, khi mà trước đó những phim về đề tài này như: “Đất và người”, “Bí thư tỉnh uỷ”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… đã rất thành công?
- Tôi không bị áp lực. Bởi, mỗi một bộ phim có cách khai thác con người khác nhau, cách thể hiện khác nhau và cái cốt trong kịch bản đã khác nhau. Trong 1 năm, chúng tôi làm khá nhiều bộ phim. Đối với mỗi kịch bản khi đọc, mình cảm nhận được nó hay, thấy có khả năng chuyển vai được thì mình tiến hành làm. Tôi nghĩ điều quan trọng khi đạo diễn làm phim là ở cách đạo diễn nhìn nhận vấn đề chứ không phải ở cách đạo diễn làm như thế nào. Và tôi vẫn biết bộ phim này khi phát sóng, chắc chắn sẽ không tránh khỏi được sự so sánh. Nhưng với tôi, sự so sánh cũng là điều cần thiết để, để mình có thêm kinh nghiệm cho nghề nghiệp.
Phim có một dàn diễn viên rất nổi tiếng, trong đó có 3 nghệ sĩ hài Quốc Khánh, Công Lý, Quang Thắng. Đây là một cách để anh thu hút khán giả?
- Đối với người đạo diễn khi chọn diễn viên quan trọng là phải hợp, diễn viên phải thích vai diễn. Nếu là chọn diễn viên vào để tạo hiệu ứng thì tôi có thể mời được nhiều người còn hay hơn nữa. Làm phim “Bão qua làng”, ban đầu tôi định giao vai trưởng thôn cho Công Lý. Nhưng sau đọc lại lần nữa thì tôi thấy không ổn, không hợp. Bởi vai trưởng thôn trong phim phải có chất lãng đãng, người tốt dại khờ. Trong khi Công Lý lại là mẫu người nông dân mạnh mẽ, sốc vác và không thuộc tuýp người lãng đãng. Chính vì vậy, tôi thấy vai trưởng thôn nên giao cho anh Quốc Khánh là hợp lý.
Thông điệp mà bộ phim gửi tới khán giả là gì?
- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước mở cửa cũng kéo theo nhiều vấn đề tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ rằng với vốn văn hóa dày dặn, tốt đẹp của dân tộc ta, với tình làng nghĩa xóm, tình người và cái tâm của người có trách nhiệm thì chúng ta sẽ vượt qua hết khó khăn, những vấn đề tiêu cực trước mắt. Tôi chỉ muốn nói một câu là: “Với Tình của bà con – Tâm của cán bộ, sẽ giải quyết được hết”
Xin cảm ơn anh!