Dân Việt

Loại bỏ ô dù, vùng cấm trong chống tham nhũng

Hải Phong (thực hiện) 03/07/2014 07:09 GMT+7
Sau khi khởi đăng “Diễn đàn Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí”, Báo NTNN đã nhận được những chia sẻ thẳng thắn của ông Mai Thế Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) về những vấn đề xung quanh cuộc chiến chống giặc “nội xâm” đầy cam go và thách thức này. 

Tham nhũng từng bước được kiềm chế

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, nhưng theo đánh giá, kết quả vẫn chưa đạt được sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với góc nhìn của người làm công tác kiểm tra Đảng, ông có thể cho biết quan điểm của mình?

- Chúng tôi đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII vừa qua. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, kiểm tra tài chính đảng nhằm phát hiện, ngăn chặn sai phạm, kể cả sai phạm về tham nhũng từ lúc mới manh nha để cảnh báo, nhắc nhở, không để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, nếu có vi phạm thì xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh, góp phần vào việc đấu tranh PCTN, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

img
Ông Mai Thế Dương

 

Qua thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, kiểm tra tài chính đảng có liên quan đến PCTN, cùng với việc ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp với các ngành thanh tra, điều tra, kiểm sát trong PCTN những năm qua cho thấy: Công tác PCTN đã có kết quả bước đầu quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, nhất là trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực.

Theo ông, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng (như Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra, Ban Nội chính T.Ư và cả Uỷ ban Kiểm tra T.Ư) trong công tác PCTN còn những điều gì cần phải khắc phục?

- Trong những năm qua, UBKTTƯ căn cứ vào quy chế phối hợp giữa Uỷ ban với các tổ chức đảng trong các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm sát, toà án, Ban Nội chính T.Ư đã chủ động phối hợp với các cơ quan trên trong việc phát hiện, tiếp nhận, trao đổi, cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm, đơn thư tố cáo, tố giác, phản ảnh có liên quan đến các vụ, việc tham nhũng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Những hoạt động phối hợp đó đã đem lại những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, công tác thanh tra, điều tra xử lý các vụ việc vi phạm về tham nhũng.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa UBKTTƯ với các cơ quan liên quan nói trên trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra một số vụ việc liên quan đến PCTN có việc, có lúc chưa đồng bộ, chưa kịp thời. Đặc biệt, việc trao đổi, cung cấp những thông tin về dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo để xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm, kể cả dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, xử lý vi phạm có việc chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu lực kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm của các cơ quan phối hợp.

Loại bỏ ô dù, vùng cấm

Trong Hội nghị toàn quốc về PCTN vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới việc phải làm sao xây dựng một cơ chế PCTN để không thể, không muốn và không dám tham nhũng. Ông có chia sẻ gì thêm về quan điểm này?

- Để không thể tham nhũng: Đảng và Nhà nước phải xây dựng được một hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật, chính sách đồng bộ, chặt chẽ có sự kiểm tra, giám sát tốt của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật và của nhân dân. Tránh việc lợi dụng những kẽ hở của chính sách, luật pháp để tham nhũng. Để không muốn tham nhũng: Cần quan tâm tạo điều kiện tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Để không dám tham nhũng: Phải xây dựng được chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm minh, loại bỏ ô dù, vùng cấm, triệt để thu hồi tài sản tham nhũng, do tham nhũng mà có; xây dựng tinh thần nâng cao phẩm giá, coi sự trong sạch là cao quý; tiêu cực, tham nhũng là đáng lên án, đáng hổ thẹn.

Một trong những vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là phải chống tham nhũng ngay từ trong lực lượng làm công tác PCTN. Ông có cho rằng vấn đề này chúng ta đặt ra là muộn so với thực tế?

- Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ PCTN là các cơ quan, cán bộ, công chức của Nhà nước Việt Nam nói chung, hoạt động trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Việt Nam. Do đó, họ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCTN và có nhiệm vụ thực hiện các quy định về PCTN của Nhà nước và của từng ngành đặc thù. UBKTTƯ có quy định về hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát, Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra cũng có các quy định để phòng, chống các tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong đó có quy định về PCTN và các cơ quan này cũng đã tổ chức thực hiện các quy định đó. Trước đây, ta vẫn đặt ra, vẫn nhắc nhở, vẫn giáo dục, song hiện nay trước tác động tiêu cực, tinh vi của các đối tượng tham nhũng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải có lực lượng đấu tranh PCTN đủ mạnh. Đây là những lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh này.

Để công cụ này đủ mạnh, sắc bén có tính chiến đấu cao, thật sự trong sạch, phải có sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cán bộ, công chức của các cơ quan này trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. PCTN ngay trong các lực lượng PCTN, trong đó có cả ủy ban kiểm tra các cấp có ý nghĩa rất quan trọng, nếu làm tốt còn có tác dụng nêu gương, có tầm ảnh hưởng lớn, đáp lại lòng mong mỏi của nhân dân.

Giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ

Ông từng đánh giá “việc chủ động nắm tình hình, phát hiện kịp thời những vụ việc nổi cộm liên quan đến người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị trực thuộc T.Ư để kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chưa được nhiều”. Vậy để khắc phục tình trạng này, cần phải làm gì?

- Với nội dung rộng, cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi hoạt động giám sát phải tiến hành thường xuyên, liên tục trên địa bàn cả nước. Để tăng cường công tác giám sát có hiệu quả, phục vụ kịp thời việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, cần thực hiện một số giải pháp chính:

Trước hết phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải thấy công tác kiểm tra, giám sát nói chung, cũng như công tác giám sát nói riêng là việc làm thường xuyên là trách nhiệm của toàn Đảng, trước hết là người đứng đầu, áp dụng với tất cả đảng viên, không có vùng cấm để chủ động phòng ngừa xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Quyết tâm chính trị của Đảng; hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật PCTN nói riêng đang dần hoàn thiện; kinh tế đã có sự phát triển; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó là các điều kiện có thể xây dựng một cơ chế PCTN để cho cán bộ, công chức, đảng viên không thể, không muốn và không dám tham nhũng”.
Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ Mai Thế Dương

Có nhiều hình thức, biện pháp tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên với quan điểm "giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm" và phương châm "giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ" để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm, phát hiện dấu hiệu vi phạm nói chung, dấu hiệu vi phạm về tham nhũng nói riêng để kiểm tra, xử lý kịp thời.

 

Tăng cường thực hiện sự phối hợp giữa UBKTTƯ với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng; giữa UBKTTƯ với ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc T.Ư trong phát hiện, thu thập, trao đổi thông tin, tài liệu về tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng của tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo kịp thời, kiên quyết…

Xin cảm ơn ông!