Rừng xanh chảy máu
Với diện tích rừng già, nguyên sinh chiếm đến 7.000/14.570ha nằm chủ yếu trong khu vực phòng hộ đầu nguồn công trình thủy lợi Thạch Nham; xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà hiện là địa phương còn cây ươi rừng nhiều nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy vào mùa ươi năm nay, Sơn Kỳ trở thành "điểm nóng" nhất của việc khai thác ươi rừng theo kiểu tận diệt của người dân nơi đây.
Thường thì ươi hay chín vào tháng 8, nhưng do thấy ươi có giá nên đầu tháng 6, người dân đã đổ xô vào rừng thu hoạch. Lúc này, vì ươi vẫn chưa chín và rụng xuống, nên cách khai thác duy nhất của người dân là trèo lên dùng sào đập, chặt cành và đốn hạ cả cây ngã xuống để hái quả.
Theo chính quyền Sơn Kỳ, đầu tháng 6, có một nhóm khoảng 14 người ở Đồng Nai mang theo cưa máy, rìu... ra trú ngụ để vào rừng đốn hạ cả cây, lấy ươi xanh đem bán cho thương lái. Dù lực lượng chức năng của Sơn Kỳ đã xử lý và trục xuất nhóm người trên ra khỏi địa bàn, nhưng với giá mua ươi tươi từ 50.000-100.000 đồng/kg, tính ra số tiền bán ươi xanh thu về lên đến 2-3 triệu đồng/ngày/người; cao gấp từ 10-20 lần so với tiền công đi làm thuê và các công việc khác, đã cuốn hút người dân địa phương và những vùng lân cận.
Già Đinh Văn Deo (57 tuổi), kể: Từ lúc con gà gáy hồi đầu tiên cho đến tờ mờ sáng, trên các ngả đường dẫn vào rừng, cứ từng tốp 5-20 người nối nhau vào rừng để lấy ươi như thể người đi xem hội. Ban đầu thì người dân còn trèo lên chặt tỉa cành cho rơi xuống để lặt hái. Thế nhưng sau đó thấy cách này tốn nhiều công sức, lại khá nguy hiểm cho nên người dân đốn hạ cây để hái.
Ông Đinh Tấn Bắc - Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ thẳng thắn: Sức hút từ món lợi mang lại từ đốn chặt cây để lấy ươi quá lớn, cho nên có thời điểm số người dân vào rừng lên đến 400-700 người/ngày. Với lực lượng 30-50 người của chính quyền xã, huyện cũng không thể nào ngăn cản, xử lý xuể. Ông Bắc cũng cho hay, ước trên 1.000 cây ươi có tuổi đời từ 30 đến trên 100 năm tuổi ở khu vực rừng bị người dân đốn hạ. Theo ông Bắc, tại nhiều điểm, số ươi bị đốn hạ lên con số từ 100-150 cây.
Cái giá phải trả vì ươi
Sau gần 4 ngày kể từ khi tiếp nhận điều trị, thế nhưng tình trạng sức khỏe của anh Đinh Văn Nháp (SN 1986), ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Tây vẫn rất nghiêm trọng. Bác sĩ Trịnh Quang Diêu - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trước mắt thì đã tạm thoát khỏi nguy kịch, thế nhưng với tình trạng chấn thương sọ não khá nặng và phức tạp của bệnh nhân Nháp, thì không dám nói trước được điều gì. Còn bệnh nhân Đinh Thị Hà Lé (SN 1979), ở xã Sơn Ba; Đinh Thị Xui ở xã Sơn Hà thì đang điều trị chấn thương tại viện.
Theo lời của chị Đinh Thị Đu (25 tuổi), vợ của bệnh nhân Nháp và cũng là một trong những người đi cùng kể lại, khoảng 9 giờ, ngày 26.6, khi cả nhóm gồm 11 người đang bới lá lượm nhặt quả rụng ở dưới gốc cây ươi khu vực rừng Mu Ních, xã Sơn Kỳ thì bất ngờ cây ươi gãy đổ, làm 3 người trong nhóm là anh Nháp và chị Lé và Xui bị trọng thương, trong đó anh Nháp bị rất nặng. Ban đầu thấy anh Nháp nằm im bất động nên tưởng đã chết.
Tuy nhiên đến khoảng giữa buổi chiều khi người nhà vào để khiêng ra đưa về nhà chôn cất, thì phát hiện anh Nháp còn sống. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, cả 3 nạn nhân được đưa ra khỏi rừng và chuyển đến Trung tâm Y tế Sơn Hà cấp cứu, sau đó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên vì ươi. Theo chính quyền các địa phương ở 2 huyện Sơn Hà, Sơn Tây và người dân cho biết, thì trong vòng hơn 1 tháng qua kể từ khi mùa thu hoạch ươi bắt đầu, đã có ít nhất 12 trường hợp bị thương do trèo ươi ngã, cây ươi đổ đè .
Cây ươi đã mang lại nhiều tiền bạc cho người dân, nhưng chính sự khai thác quá mức đã khiến cho loại cây này đang đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ, xóa sổ. Có lẽ, đã đến lúc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phải vào cuộc, lập lại trật tự cũng như bảo vệ cây ươi khỏi bàn tay đe dọa của con người.