Dân Việt

Từ ngỡ ngàng đến thán phục... cảnh giả trên phim

03/07/2014 16:34 GMT+7
Bình thường, gặp những cảnh nào đẹp người ta thường phán: Y như phim. Nhưng thực tế trên phim, có những cảnh quay đẹp, độc… khiến người xem ngỡ ngàng thán phục, nhưng thực ra đó chỉ là cảnh giả. Tất nhiên, không chuyên nghiệp và hoành tráng với nhiều kỹ xảo như phim nước ngoài những khám phá cảnh giả trên phim Việt cũng khối chuyện bi hài. Xin bật mí ra đây hầu chuyện độc giả.
Ngô Thanh Vân làm… quái xế

Trong bộ phim Bẫy rồng, khán giả từng thưởng thức tài nghệ của Ngô Thanh Vân trong vai nữ tướng cướp, cùng đồng bọn rượt đuổi bằng xe phân khối lớn táo bạo và ngoạn mục. Với bộ trang phục motor chính hiệu, bất cứ ai cũng phải trầm trồ thán phục và cả thót tim khi Ngô Thanh Vân thể hiện những màn chặt cua, lạng lách, triệt hạ đối thủ trên chiếc Ducati 1000 phân khối. Ai cũng tưởng rằng, ngoài việc tập luyện với chiếc xe hàng tháng trời, hẳn trên trường quay, Ngô Thanh Vân cũng phái toát mồ hôi hột với những cảnh này. Nhưng thực sự, đây là cảnh mà Ngô Thanh Vân… thảnh thơi nhất. Ai hành động thì cứ hành động, còn cô, chỉ cần… cái mặt!
img
Ngô Thanh Vân cầm cây dù như đang lái xe trong Bẫy rồng

Người đóng thế cho Ngô Thanh Vân cảnh này là tay họa sỹ thiết kế - người có thân hình khá giống Ngô Thanh Vân. Anh được trang bị bộ trang phục y chang nhân vật để thực hiện những cảnh quay toàn. Từ cách hú ga, tăng tốc, rồi lạng lách, chặt cua… tất cả đều được anh thực hiện y như một cao thủ thứ thiệt của làng quái xế. Quay phim đổi nhiều góc quay khác nhau, từ đằng sau quay tới, chạy đằng trước thu hình rồi chuyển sang ống kính song song. Đến phần quay cận, lúc đó Ngô Thanh Vân mới phải xuất hiện trước ống kính để đặc tả gương mặt đang tập trung cao độ, y như đang trên đường đua thật. Đến phần này, tổ thiết kế cho nàng cầm cây dù giả đang lái xe, cứ lạng qua lạng lại trước ống kính quay cận trong thần thái dữ dằn.Sau khi cắt ghép các cảnh quay toàn trung cận, khán giả có thể mãn nhãn với tay lái lụa của Ngô Thanh Vân. Trong suốt quá trình quay, rất nhiều lần cô nàng cũng phải phá lên cười vì cảnh quay “giả” y như thật này. Và thực tế, đến giờ này, vẫn khối người tin, các cảnh quay trên là do tài nghệ thật của Ngô Thanh Vân.

Chuyện chân thật, chân… giả!

Trong mỗi cảnh quay đánh nhau, thường bao giờ cũng được kết bằng một cú đá chí mạng vào gương mặt để hạ gục đối phương. Dường như đó là môt nguyên tắc ngầm mà bất kỳ đạo diễn nào cũng phải thực hiện theo. Trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm, cảnh Lý Hùng trong vai tráng sĩ, giữa vòng vây của quân địch, sau hồi tả xung hữu đột, đạo diễn cho anh kết thúc trận đấu bằng một cú đá vòng cầu ngay quai hàm đối phương khiến đối thủ bị đá văng lên, rớt xuống bàn, bể tan nát. Nếu như ở ba cú đá đầu tiên, Lý Hùng và anh chàng diễn viên quân sĩ đều nhát chân, nhát mặt nên cú đá cứ nằm tít xa ở khung hình, đạo diễn Lê Mộng Hoàng ngồi nhìn khung hình cứ lắc đầu, la ầm vì nó giả quá, không thể chấp nhận.
img
Lý Hùng và cha - NSND Lý Huỳnh trong Thăng Long đệ nhất kiếm

Đến lượt chỉ đạo võ thuật Lý Huỳnh ra tay, ông làm công tác tâm lý cho anh quân sĩ: “Con phải gồng cứng cái mặt vô, hét to lên, cố gắng chịu đau, Lý Hùng chỉ đá một cái là xong, có gì đâu mà sợ”. Riêng Lý Hùng, ông cũng căn dặn kỹ, là phải đá chính xác mới ra dáng một anh hùng. Máy, diễn lần này cả hai vì sợ bị la nên rất cố gắng. Và kết quả sau cú đá “không còn giả” này, anh chàng bị đá té lăn lốc, còn Lý Hùng thì mặt xanh lè. Nhìn kỹ lại, miệng chàng quân sĩ rỉ máu, quai hàm bị sưng to, mất nguyên một tuần húp cháo.
img
Cảnh chân giả trong Duyên trần thoát tục

Đến phim Duyên trần thoát tục, vẫn có một cú đá xoay vòng 360 độ dính ngay vào cổ đối phương và anh ta chết ngay lập tức. Trong một cảnh toàn, Nguyễn Phi Hùng được lệnh cứ bay lên không xoay vòng đá cho thật đẹp còn quần chúng, cứ để chỉ đạo võ thuật lo. Vì cũng từng là dân múa chính hiệu, nên chuyện bay đá đối với anh ngọt như mía lùi.

Đến cảnh người bị đá, chỉ đạo võ thuật yêu cầu Nguyễn Phi Hùng đưa cái… quần cho mượn, anh lòn nguyên cánh tay, đeo đôi giầy vào và yêu cầu quay phim bắt vào… cảnh cận. Trước khi đá vào mặt đối phương, anh ta còn cho thêm một ít bột vào ống quần và giầy khiến những cú đá “thật” như thật. Cả phim trường vui mừng vì cảnh quay giả nhưng hiệu quả như thật. Hỏi nghĩ đâu ra cảnh giả như vậy, tay chỉ đạo chỉ cười và bảo: “Mới học từ đoàn phim Hồng Kông đấy, thấy thì giả, nhưng trên khung hình thì quá đã phải không?”.

img
Cảnh bẻ chân trong Lệnh xóa sổ

Đến phim Lệnh xóa sổ của đạo diễn Đỗ Quang Minh, có cảnh quay sau khi hạ gục đối phương, chàng vai chính sẽ nắm cổ chân đối thủ bẻ xoay 180 độ, tất nhiên là cái chân sẽ gãy lìa. Cả đoàn phim khi đọc kịch bản cứ hoang mang, nhất là anh chàng diễn viên bị bẻ chân cứ la oai oái, vì không biết mình sẽ bị bẻ như thế nào. Sau màn đánh nhau kịch liệt và đẹp mắt, đến cảnh quay đặc tả cảnh bẻ chân, tổ thiết kế đem cái chân giả ra hiện trường, cho mặc quần và mang giày vào rất đàng hoàng.

Và anh chàng vai chính cứ tha hồ xuống tấn, bẻ liên tục cái chân với gương mặt đầy sát thủ, cộng thêm tiếng hét kinh hồn giữa đêm khuya. Trên khung hình, tất nhiên với cảnh quay giả như thế này, cộng với việc đặc tả gương mặt la hét vì đau đớn của người bị bẻ chân, chắc chắn khán giả tin đến… sái cổ, chứ mấy ai biết cảnh này, trên phim trường người bị bẻ chân cứ cười như nắc nẻ vì sự giả như thật của đoàn phim.

Giả trời lạnh, diễn viên nóng đến… phát điên

Trong phim Những chiếc lá thời gian có cảnh quay Quang Dũng qua Mỹ đi làm nhà hàng, gặp người chú Thương Tín trong mùa tuyết lạnh, cả hai gặp nhau trò chuyện vô cùng tâm đắc. Kịch bản ghi là thế, nhưng ngoài hiện trường, đạo diễn Lê Cung Bắc phải toát mồ hôi hột mới có thể hoàn thành xong cảnh quay tưởng chừng như đơn giản này. Ngoài chọn mãi mới được một nhà hàng giống y chang ở Mỹ nằm ngay trung tâm thành phố với giá thuê cũng ngất ngưởng thì may mắn, toàn bộ 50 diễn viên quần chúng cũng kiếm được từ một số anh chị Tây ba lô trên đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.

img
Thương Tín và Quang Dũng trong phim Những chiếc lá thời gian

Nhưng bi kịch bắt đầu xảy ra khi về trưa, trời càng lúc càng nóng. Gần 100 con người chui rúc trong căn phòng không có máy lạnh (vì chủ nhiệm sợ tốn tiền) mà cảnh thì yêu cầu giả ở Mỹ nên ai cũng trang bị khăn áo ấm.

Ban đầu, đoàn phim còn cố gắng khuyên mọi người, hãy vì nghệ thuật mà tập trung với cảnh quay, đừng ai vì lý do nóng mà thiếu tập trung. Nhưng chỉ sau ba tiếng thu hình cực lực, đội hình quay phim bắt đầu xảy ra lục đục, một số diễn viên quần chúng không quen với sự nóng bức này đã trốn về, vì đợi hoài không thấy đoàn phim mở máy lạnh.

Một số còn lại, tỏ ra ậm ức, cứ mỗi lần đi vào khung hình là gương mặt cứ lạnh như băng. Trước tình cảnh này, hai diễn viên chính của đoàn là Thương Tín và Quang Dũng dù cũng cực kỳ nóng nực trong trang phục “ấm áp” cũng phải tay cầm quạt giấy, vừa quạt cho mình, vừa quạt cho mọi người. Thật đúng là chỉ ở Việt Nam mới có…