Hôm nay, gần 600.000 thí sinh khối A, A1 sẽ bước vào “cuộc chạy đua” đầu tiên của năm 2014 để giành vé vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều chuyên gia giáo dục ví, đây là “cuộc chạy đua” đặc biệt, nóng ở phút đầu nhưng…lạnh ở phút chót.
Nguyên nhân để lý giải cho nhận định này nằm chính ở con số 162.400 cử nhân thất nghiệp vừa được Bộ LĐTBXH công bố trong bản tin thị trường lao động Việt Nam hôm 1.7, tăng 39.400 người so với cùng kỳ năm ngoái (123.000 người).
Mới đây, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội khóa IX về con số cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận: Lỗi phần lớn là do Bộ GDĐT, do các trường ĐH mới phát triển về quy mô, chưa chú trọng chất lượng, các sàn việc làm chưa làm tốt chức năng của mình. Và để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết ngoài việc cắt, giảm, điều chỉnh số lượng trường, ngành còn đề xuất cắt giảm luôn… chỉ tiêu phấn đấu 400 sinh viên/vạn dân (năm 2020) xuống còn 200 sinh viên/vạn dân.
Điều này khá vô lý ở chỗ, ngay từ năm 2011, nước ta đã đạt 250 sinh viên/vạn dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần đối thoại với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X cũng thừa nhận rằng con số này hiện đã thấp hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan là 374; Hàn Quốc 674; Nhật 316… Nếu cắt giảm còn 200 sinh viên/vạn dân thì hóa ra ta đang đi… giật lùi. Và liệu đây có phải là mấu chốt, chìa khóa để giải quyết vấn đề thất nghiệp nhức nhối?
Nhưng ngay cả có cắt giảm chỉ tiêu, hạn chế mở ngành, mở trường thì liệu có “cản” được con số hàng triệu thí sinh và gia đình hàng năm nô nức nộp hồ sơ, nô nức “cơm đùm, cơm nắm”, bán lợn, bán gà, gom thóc, gom lúa… để đổ về các thành phố lớn dự thi vào các trường ĐH, CĐ?
Các em đều hy vọng sau khi bước qua cánh cửa này, có được tấm bằng ĐH trong tay, con đường vào đời của các em sẽ sáng sủa, dễ dàng và… hồng hơn. Nhưng nhiều cử nhân đã “vỡ mộng” khi cả trăm lần bị từ chối bởi các nhà tuyển dụng, bởi tấm bằng ĐH không phản ánh đúng chất lượng đào tạo, bởi họ có được những tấm bằng đó quá dễ dàng…
Rất buồn là cũng vì điều này mà việc thi đỗ ĐH hiện nay không còn “oách” và “vinh quang” như khoảng 10 năm về trước. Nếu cách đây 10 năm, cả làng mới có 1 người đỗ ĐH thì bây giờ đỗ ĐH… nhan nhản. Không đỗ trường nọ sẽ đỗ trường kia, thậm chí không cần đi thi ĐH cũng có thể đỗ vì… xét tuyển học bạ. Rồi còn các kiểu học tại chức, liên thông… Và tất nhiên, đã vào được ĐH thì kiểu gì cũng ra được trường, kiểu gì cũng có bằng tốt nghiệp và không ít trong số đó thất nghiệp. Cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ chỉ có thể “gỡ” được cho đến khi nào bài toán về phân luồng giáo dục, bài toán về kiểm soát chất lượng đầu ra được giải. Còn không thì những kỳ thi ĐH, CĐ sẽ vẫn mãi là những cuộc đua… nóng phút đầu, lạnh phút chót.